Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Việt Dương Nhân, một hồn thơ ''nở hoa'' trên cát bụi




Hồ Trường An
Tôi quen Việt Dương Nhân từ năm 1977, khi tôi vừa định cư trên đất Pháp và bắt đầu trở lại nghề viết lách cho tới nay. Thuở đó cô say mê đeo đuổi theo nghệ thuật ca kịch cải lương. Cô lấy nghệ danh là Quốc Hương hợp cùng các nam nữ nghệ sĩ : Hữu Phước, Dũng Thanh Lâm, Minh Đức, Chí Tâm, Hương Lan, Phương Thanh, Mỹ Hòa, Kiều Lệ Mai, Hà Mỹ Liên, Kim chi, Lệ Hoa, Tài Lương, Minh Tâm, Hùng Tiến, Ngọc Lưu v.v... cùng những nhạc sĩ cổ nhạc : Michel Mỹ, Minh Thanh, Mai Thanh Hùng, Duy Đức v.v... thành một lực lượng hùng hậu.
Bạn bè trong giới văn nghệ thường gọi cô là Caroline, là Tuyết Hiver. Hiver là họ của chồng, còn cô họ Nguyễn, cô thuộc vào hàng thứ bảy trong gia đình.
Năm 1977, Việt Dương Nhân chỉ vào tam tuần. Cô không đẹp, nhưng dung nhan cô có nhiều nét thật đậm đà mà người Âu thường ưa chuộng: màu da sáng mịn và hồng hào chói lọi, lưỡng quyền hơi cao tạo cho gương mặt nét duyên dáng mặn mà, đôi môi đầy đặn và rõ nét, hai hàm răng khá đều đặn, nước men răng trắng bóng. Đáng kể là đôi mắt và giọng nói của cô. Đôi mắt có cái nhìn nung nấu và nồng nhiệt, làm người đối diện cô nghĩ rằng, người có đôi mắt ấy lúc nào cũng sẵn sàng lao tới lý tưởng, với ước vọng đam mê của mình. Giọng nói của cô khàn khàn và đặc sánh mật ong, tỏa ra cái âm vang dịu muốt như nhung mềm ở chót đuôi.
Thuở đó, Việt Dương Nhân ăn mặc giản dị, tóc chấm bờ vai, ít đeo nữ trang và cô tô son phấn thật gượng nhẹ, thật phơn phớt. Giữa tôi và cô quen biết thoáng qua.
Mới ra hải ngoại, tôi chưa cầm bút viết văn, hãy còn lận đận với nghề làm báo hơn viết báo. Cho nên công việc tôi rất phức tạp, rất rộn ràng. Còn Việt Dương Nhân thì say mê với nghệ thuật trình diễn. Nhà cô là nơi lui tới của các nghệ sĩ sân khấu, cô bung ra khỏi nếp sống thường nhật của gia đình để lao vào các cuộc lưu diễn thập phần hào hứng ở nhiều địa danh trên đất Pháp.
Mười sáu năm qua. Tôi đã bỏ nghề viết báo và bỏ nghề làm báo từ lâu. Tôi thiên cư về vùng Champagne cư ngụ.
Tôi hầu như lạc mất tin tức của Việt Dương Nhân. Vậy mà năm 1990, cô bắt liên lạc với tôi, gởi cho tôi bản thảo thi tập ‘’Tứ Hướng Thăng Trầm’’ nhờ tôi cho ý kiến. Tôi nói với cô ‘’Tứ Hướng Thăng Trầm’’ sao mà nghe nho quá. Cô hỏi tôi, lời rất chân thật : Bây giờ đổi tên gi ? Tôi nói : thì ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’. Cô kể lại cuộc đời trong mười mấy năm qua, biết bao là bất hạnh xẩy tới cho cô. Từ năm 1997, tôi và cô có nhiều dịp gặp nhau. Cô không già, răng cô vẫn đều như mười mấy năm về trước, có điều nước men răng phai bớt ánh sắc trân châu. Nhưng vóc mình cô vẫn thon gọn, vẫn mềm mại như cành lệ liễu, vẫn dẻo dai như nhánh thùy dương. Cặp mắt cô buồn quá đỗi, nụ cười cô lúc nào cũng man mác bâng khuâng.
‘’Tứ Hướng Thăng Trầm’’ được đổi lại là ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ và được trình làng vào mùa thu năm 1998 (năm Mậu Dần).
Trước năm cô ra mắt sách, chúng tôi thường gặp nhau ở nhiều nơi dễ thông cảm nhau hơn, thân mật nhau hơn. Chúng tôi gặp nhau vào một buổi tối ở quán Cây Cau với các nhà báo Tin Tức, với học giả Võ Thu Tịnh, với họa sĩ Lê Tài Điển, với nhà thơ nữ Bích Xuân. Chúng tôi gặp nhau trong bữa ăn lễ Giáng Sinh tại quán Đào Viên với nhạc sĩ Xuân Vinh và ca sĩ Mỹ Hòa. Chúng tôi gặp nhau trong bữa tiệc đãi nhà văn nữ Trần Thị Nguyệt Hồng từ Việt Nam qua thăm. Hôm đó có Lê Tài Điển, có ông giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, có nam ca sĩ Thanh Hùng, có cây sáo Đoàn Văn Linh, có nữ diễn ngâm Ngọc Xuân, có nhà nữ điêu khắc gia Đặng Vũ Anh Trần, và có nhà thơ nữ Bích Xuân.
Và trong hôm Việt Dương Nhân ra mắt sách, rất nhiều nhà văn nhà báo, các chính khách đến tham dự. Riêng các văn nghệ sĩ gồm có : học giả Võ Thu Tịnh, nhà báo Tô Vũ, chủ bút báo Nhân Bản Phạm Dương Đức Tùng, nhà báo Trần Trung Quân v.v... các nhà thơ: Hoàng Minh Tâm, Vân Hải, Xuân Nương, Bích Xuân, Hoàng Dương, Cao Xuân Tứ, Đỗ Bình, v.v...Nữ ca sĩ Ngọc Hải, đôi uyên ương nghệ sĩ Minh Đức, Kiều Lệ Mai, và danh đờn cổ nhạc Minh Thanh. Hôm đó tôi được ban tổ chức mời lên diễn đàn bày tỏ cảm nghĩ của mình. Tôi nói rất ít, nhưng cô rất hài lòng. Trước khi cầm máy vi âm, tôi tặng cô bảy bông hồng màu gạch non, bó hoa thì nhỏ, đóa hoa chỉ lớn bằng trái chanh làm tôi hơi áy náy, hơi bứt rứt khi nhìn bó hoa to mà một văn nghệ sĩ tặng cô trước đó. Hôm ra mắt sách, Việt Dương Nhân tha thướt trong chiếc áo dài tím đậm nổi những cụm hoa kim tuyến lóng lánh, khoác khăn san như cuộn sương mỏng ở ngoài.
Sau buổi ra mắt sách, Việt Dương Nhân còn gặp tôi trong hôm nhà thơ nữ Dư Thị Diễm Buồn từ Hoa Kỳ qua Paris trình làng thi tập ‘’Những Ngày Xưa Thân Ái’’ tại quán Cây Me. Hôm đó cô mặc Âu phục màu xanh lông chim anh vũ, khoác khăn sau, cô tô son màu hồng quế, đánh phấn màu hồng đào. Cô có dịp tâm sự với tôi nhiều hơn, mắt cô sáng ướt màn lệ mỏng. Cô uống rượu rất nhiều, hút thuốc liên miên. Đời cô buồn quá đỗi : Hôn nhân đổ vỡ. Bạn bè phản trắc. Một đứa con gái đang trong bệnh viện tâm thần. Đứa con trai yêu quý ở tận Hoa Kỳ. Người tình vì công việc làm ăn ở Lyon. Tối tối cô tìm cảnh quán khuya đèn muộn để uống rượu và tay châm điếu thuốc liên miên. Khi về tới nhà, cô loay hoay thao thức, có khi phải uống thuốc ngủ hoặc thuốc an thần.
Nhưng Việt Dương Nhân không già, không bệ rạc. Cô còn hai cái phao để nắm trong bể khổ chập chùng sóng cả nầy. Đó là niềm ngưỡng mộ ánh đạo vàng của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Và kế đó là niềm yêu mến thi ca và công việc sáng tác của mình.
Song song với thi tập ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’, bản thảo thi tập ‘’Cát Bụi’’ được gởi tới cổ Nguyệt Đường của tôi vào 10 tháng 7 năm 1998. Cô nhờ tôi viết cho tập thơ hai của cô một cái Bạt.
‘’Cát Bụi’’ là một thi tập phản ảnh ít nhiều cuộc đời lẫn tâm sự của tác giả Việt Dương Nhân. Một tập thơ buồn, nhưng tác giả không thả nổi, không buông xuôi vào cái buồn chủ bại. Đâu đây vẫn còn lóe sáng ánh lửa tim yêu :

Anh nào thấu lòng này !
Phải chăng em đang say ?
Rượu cạn rồi mấy chai ?
Cháy bao nhiêu điếu thuốc ?
Mà nỗi sầu chưa nguôi !
Trái tim trói buộc rồi
Chỉ hình bóng anh thôi.

(Trích trong bài ''Ước Gì Có Anh")


Hoặc :


Một chàng Quân Tử giữa đời

Phun châu nhã ngọc tuyệt vời dìu đưa
Màn đêm giờ đã dần thưa
Bình minh ló dạng, nắng trưa lại về

''Tình Tri Kỷ''

Tác giả đã mất tình yêu, mất người chồng đã bao năm từng sống mặn nồng với cô. Nhưng định mệnh không dồn cô vào tuyệt lộ, cô còn tìm được một mối tình mới để nhìn cuộc đời bằng cặp mắt lạc quan. Đó là người đàn ông người Pháp rất ôn hòa, rất hào hiệp có thể làm bóng mát chở che cho cô.
Và Việt Dương Nhân vẫn còn tấm lòng yêu thương đối với Sài Gòn ngày cũ. Nơi đó dù là không phải nơi sinh quán của cô, nhưng là nơi cô từng sống hạnh phúc.
Đó là cõi thiên đường hạ giới mà cô luôn tâm niệm trở về :
Tim ta, em chẳng lu mờ
Sài Gòn thương nhớ, muôn đời mãi yêu
Ráng đợi ta nhé em yêu
Ngày về mình sẽ dặt dìu đường xưa.

''Yêu Mãi Sài Gòn''

Nhà thơ còn đã tìm thêm được lẽ sống khi chiêm ngưỡng ánh đạo vàng. Tôn giáo ở đây là điểm tựa tinh thần cho nhà thơ, một người đàn bà có trái tim mềm yếu và mẫn căm :

Ta đã chở thuyền sầu đầy ắp nập
Xác tâm nầy không còn chỗ nữa đâu
Lòng xoay chuyển, nguyện-cầu-an-nhân-thế
Dẹp sân si, tìm nhặt lấy Từ Bi

''Thuyền Sầu''

Lật từng trang giấy trong thi tập "Cát Bụi", các bạn đọc giả có thể tưởng tượng được chăng ở đầu thành phố Ivry-sur-Seine, giữa vùng xanh tươi có những cây bạch dương, cây ngô đồng, cây hạnh đào, cây nhược liễu, cây thanh tùng, và trong một căn lầu buồn bã có một người thiếu phụ ôm một mối sầu da diết. Nàng đi đi về về lủi thủi chiếc bóng. Có nhiều đêm nàng nhìn vầng trăng treo nghiêng trên ngọn soan đào, để mà nhớ quê hương, để mà sầu dĩ vãng. Nàng vừa nhâm nhi cốc rượu, vừa hút điếu thuốc này sang điếu thuốc khác để tìm ý thơ và vần thơ. Ngón tay mềm mại nàng gõ nhẹ trên máy vi toán, rồi sau đó những câu thơ hiện ra trên màn ảnh của máy, phản ảnh nguyên vẹn tâm trạng của nàng như dòng sông Seine trong vắt vào mùa xuân in bóng nguyên vẹn thành phố Ivry-sur-Seine. Thỉnh thoảng nàng đốt một nén nhang bạch đàn hoặc nén nhang trầm hương trên bàn Phật rồi chiêm ngưỡng nụ cười phản ảnh nguyên vẹn tâm Từ Bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi mường tượng đến một cảnh giới giải thoát mọi trói buộc của phiền não mà trong kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa thường nói tới. Đó là cuộc sống của nhà thơ nữ Việt Dương Nhân, cô bạn văn chương hào hiệp và sầu mộng của tôi.

Chúc cô ngoài tôn giáo, ngoài tấm lòng đùm bọc của người tình mới, sẽ tìm được ở nghệ thuật sáng tác thi ca một điểm tựa vững chắc của tinh thần.

Cổ Nguyệt Đường, chớm Xuân Kỷ Mão (1999)
Hồ Trường An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét