Của thi sĩ
Việt Dương Nhân
Nguyễn Xuân Túy
Cách đây đúng một tuần lễ, tôi được hân hạnh nói chuyện nhiều với Việt Dương Nhân, trong một nhà hàng ở ngoại ô Paris. Một sự tình cờ xui khiến Việt Dương Nhân và tôi ngồi đối diện, từ 22 giờ đến quá nửa đêm. Đến lúc nhà hàng đóng cửa, thì chúng tôi cùng mọi người thực khách đứng dậy ra về, Cũng ngày hôm ấy V.D.Nhân có nhã ý yêu cầu tôi lên diễn đàn phát biểu ý-kiến về tập thơ "Bốn Phương Chìm Nổi" sẽ ra mắt ngày 25-10-1998 và tôi... đã nhận lời, không hiểu vì sao, mặc dầu không có thói quen bình thơ.
Hôm ấy, trong nhà hàng, đối diện với Thi-Nhân, tôi nghe Việt Dương Nhân nói chuyện sang sảng. Thỉnh thoảng lại ngừng, nhắ một hớp rượu, châm một điếu thuốc rồi lại tiếp tục. Chúng tôi nói chuyện say sưa, hay nói đúng hơn là tôi nghe chuyện V.D.Nhân say sưa, mặc dầu không say. Đề tài thi thú thực là quay quanh những đề tài mà tác giả đã viết trong lời tựa, vẫn không thoát ra khỏi, tức là : Quê hương, Thân phận, và Đạo, chỉ thiếu tình yêu là không đề cập tới. Có điều là những đề tài riêng biệt, không hề đá động gì đến thơ cả.
Trong không gian đầy khói thuốc, nói chuyện đôi lúc phải gào lên : chung quanh tiếng cười, tiếng nhạc rất ồn ào, nhưng vẫn không quấy rầy chúng tôi vì cả, thực tình thì đây cũng tiêu biểu cho bối cảnh chung của Việt-Kiều Hải-Ngoại, cũng như cuộc sống tha hương của nhiều người, lúc nào cũng quay cuồng bận rộn. Cứ như thế là thắm thoát hai, ba giờ trôi qua. Lúc sắp về thì Việt Dương Nhân có tặng tôi hai tập thơ : "Bốn Phương Chìm Nổi", "Cát Bụi" và một cuốn băng thơ của V.D.Nh., do Ngọc Xuân ngâm và Đoàn Văn Linh đệm sáo cùng đàn bầu.
Sau đó, trong tuần qua tôi đã đọc nhiều lần "Bốn Phương Chìm Nổi" của V.D.N., cùng nghe giọng ngâm rất khả ái và điêu luyện của Ngọc Xuân cùng tiếng sáo tiếng đàn trữ tình của Đoàn Văn Linh. Phải nói là có một sự cộng-hưởng rõ ràng giữa 3 nghệ sĩ nầy khiến người nghe rất thích thú. Cuốn băng làm theo thủ công, nhưng nghe lại có phần thấm hơn nhiều cuốn băng phát hành trên thị trường.
Trở về với "Bốn Phương Chìm Nổi" của V.D.N. thì tôi thấy thơ và người giống nhau : không khách-sáo bóng-bẩy, nhưng đầy ý-tứ, đầy cá-tính, rất linh-động. Có những bài thơ buồn, rất buồn nhưng người đọc vẫn thấy VDN đã vượt cao trên những nỗi buồn đó, phải chăng bằng những thanh thản của người đã thấu triệt đạo lý, đã biết ‘Bình tâm’ ‘Xả tâm’ hay có một niềm tin vững chắc với căn bản trên "Chân Lý" quảng đại ?
Bằng cớ cụ thể nhất là người yêu thơ, ngay trong những bài thơ có vẻ buồn hay mềm yếu, vẫn thấy tác giả nắm thơ rất vững, cũng như nghệ thuật dùng chữ rất độc đáo, điêu luyện. Hôm ấy, lúc chia tay Thi Nhân, sau khi đề cập đến bao nhiêu Chìm Nổi trong cuộc sống tha hương, chủ quan có, khách quan có, mà tôi vẫn thấy không có một luống tình cảm hay ý-nghĩ tiêu-cực nào cả.
Tôi rất thích những bài thơ thể lục bát của VDN với kỹ thuật rất vững, mặc dầu thể thơ nầy sử dụng rất khó mà trước đây Nguyễn Du qua tác phẩm Kiều là một thành công hiếm có.
Nếu ví "Bốn Phương Chìm Nổi" như một vườn hoa đẹp, nếu cho phép người xem hoa lựa chọn một bông hoa thì tôi chỉ xin giới thiệu độc giả bông hoa tôi thích nhất có tựa đề là : "Nhạt Nhòa", cũng theo thể thơ lục bát ; Hai câu cuối tả nỗi buồn của một cô gái giang-hồ giữa rừng khuya với ánh mắt buồn u-uất :

Mắt như vướng vướng lo rầu
Rừng khuya đêm vắng biết đâu nẻo về...

‘Lo rầu’ cũng như ánh mắt của người tha hương. Cánh Mai mỏng manh lo-âu không hẳn vì sợ không kiếm ra phương-tiện về nhà giữa rừng khuya, nhưng lo-rầu vì không thấy nẻo đường về. Không thấy nẻo đường về với đời sống đầm-ấm. ‘Mắt như vương vướng lo rầu’ cũng như tâm trạng của người tha hương chưa thấy đường về mái nhà xưa, đường về mảnh đất quê-hương thân yêu thanh-bình như còn xa vời quá !
Bài thơ hay và buồn. Nhưng VDN không thả hồn theo nỗi buồn nầy. Xin giới thiệu bài thơ đầy ý-chí, đầy tin-tưởng đáp lại những nỗi lo-âu trên tựa là :

"Đưa Nhau về Năm 2000"

Cũng để kết luận, tôi xin mường tượng giọng nói sang sảng của Việt Dương Nhân qua bài nầy :

Hồn thiêng sông núi ba miền
Reo vui đón nhận Nhân-Quyền Tự-Do

Hoặc là :


Nhân-Quyền Dân-Chủ Anh-Minh

Tự-Do Bình-Đẳng đầy tình Việt-Nam.

Tái bút :

Bài viết phỏng theo phát biểu chiều 25-10-1998
Antony, 04 Novembre. 1998
Nguyễn Xuân Túy