Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

THƯ CHO NGƯỜI TÌNH (25.10.2012)

THƯ CHO NGƯỜI TÌNH
25.10.2012
(avatar cancer)
Anh,
Hôm nay nhận tin của Anh, em chết lặng người !^_^!

 "Les nouvelles ne sont pas bonnes, mon cancer se serait réveillé d'après les analyses. Je vais voir un spécialiste à Lyon le mardi 31. Je te tiendrai au courant. J'ai fait une grosse chute dans les escaliers, toute la descente. Rien de cassé mais de nombreuses plaies. J'espère que ça va mieux pour toi.
T'ai BOBY"

!^_^!
Con "cua" nó trở lại trong người Anh !^_^! sau hơn 16 năm (17.6.1996) BS liệng nó ra xa. Kỳ này coi như mình thua 'nó' rồi. Hãy BUÔNG XẢ hết, đừng nuối tiếc gì cả. Còn em đang đón nhận 'nó' đây.
Ờ, có gì mình sẽ gặp nhau "bên kia", nơi không còn SANH LÃO BỆNH... nha Anh ! Nhưng ...
ANH CÒN NỢ EM





26 Bài Thơ Về mùa Thu (nhiều tác giả)


THƠ XƯỚNG HỌA: Thu Nhớ, Tiếng Thu, Cảnh Thu xưa, Thu Chờ Đợi, Chiều Thu, Thu Hoài Vọng, Thu Trên Bến Đợi Sông Chờ, Tình Lá, Hơi Thu, Thu Riêng Một Cõi, Thu Và Em, Tình Thu, Thẹn Thu, Thu Về, Thu Về Trên Bãi Vắng, Thu Phố, Thu Phong, Hồn Xa, Thu Nhớ Mong, Hờn Thu Níu Nắng, Thu Nào, Tình Xa, Thu Tâm, Thu Xót Xa, Nhạt Nắng, Nhớ Một Mùa Thu

[1­] ­­
THU NHỚ

Thu lại về trên những ngọn phong

Trời thu hiu hắt nắng se hồng
Heo may lành lạnh lùa trong tóc
Hương cúc êm đềm toả trước song
Em vẫn nâng niu từng ước nguyện
Anh còn trăn trở những hoài mong
Ba thu dồn cả thiên thu lại
Chén rượu đoàn viên mãi hẹn lòng
Boston 15-10-2011
Đoàn Ngọc Kiều Nga

[2]

TIẾNG THU

Lưng trời nhạn lẻ đón thu phong

Xào xạc đồi cây lá ửng hồng
Sương đục giăng màn mờ dưới lũng
Nắng vàng trải lụa hắt bên song
Vần thơ giao hưởng xanh hò hẹn
Chung rượu đoàn viên đỏ ước mong
Em có nghe chăng mùa lại tới
Đàn ai réo rắt tiếng tơ lòng!
October 16, 2011
Hồ Công Tâm

[3]

CẢNH THU XƯA…

Thu về hồi tưởng những mùa phong

Một thuở xa xưa, ấm nắng hồng
Che nón quai thao đi cặp cặp
Chít khăn mỏ quạ bước song song
Bến sông trai trẻ chờ người hẹn
Chân núi mẹ già ngóng cổ mong
Cao ngất trời xanh diều ngất ngưởng
Đìu hiu tiếng sáo mết mê lòng!
Oct-17-11
Hạ Thái
(Trần Quốc Phiệt)

[4]

THU ĐỢI CHỜ!

Rực vàng chi mấy hỡi rừng phong!

Bỡn cợt trêu người lá đổi hồng.
Sương tụ che ai mờ nội cảnh?
Mưa rơi ai thấy rõ ngoài song!
Anh vui hồ thỉ mơ hưng quốc,
Em tủi phòng khuê cam đợi mong.
Lá đã thay mầu bao độ nhỉ,
Anh em mình vẫn chẳng thay lòng!
Dzoãn Thường
Pasadena 17-10-2011

[5]
Chiều Thu

Giăng giăng sương bạc trắng đồi phong

Nắng đón mùa sang đã nhạt hồng
Hiu hắt vàng rơi mơ ngập lối
Lao xao lá đuổi mộng ngoài song
Nửa vần Thơ hẹn còn dang dở
Chung mảnh trăng thề vẫn đợi mong
Vọng tiếng chim côi rền một cõi
Chiều thu quạnh quẽ đến nao lòng
Vương Hồng-Ngọc

[6]
Thu Hoài Vọng

Rực rỡ đường thu sắc lá phong

Như bài giao hưởng thắm môi hồng
Bồi hồi hoa đón thu vào ngõ
Xao xuyến hồn theo gió lướt song
Lá rụng cuối trời vương nỗi nhớ
Hoa tàn bên giậu vẫn hoài mong
Người đi xa mãi riêng ta ở
Lần lữa thu sang nỗi hận lòng
Quang Tuyết

[7­­]
THU TRÊN BẾN ĐỢI SÔNG CHỜ

Thu trở về cùng ngọn bắc phong

Xạc xào đuổi lá đỏ nâu hồng...
Vờn bông huệ trắng buồn trong chậu.
Vuốt lá ngô vàng úa trước song.
Bến đợi thương ai ngồi đợi đón...
Sông chờ xót kẻ đứng chờ mong...
Quan san cách trở tình đôi lứa
Biết đến khi nao thấy bạn lòng?
LT. Đỗ Quý Bái

[8]
TÌNH LÁ

Mỗi lúc thoáng nhìn chiếc lá phong

Tình ai rạo rực ánh xuân hồng
Nhủ thầm vẫn ấm trong khung cửa
Mới biết còn tê ngoài chấn song
Người ở âm thầm ôm nỗi nhớ
Kẻ đi biền biệt giấu niềm mong
Thu về sao thấy như nôn nóng
Dậy sóng trong đông hội ngộ lòng
18.10.2011
Võ Sĩ Quý

[9­­]
HƠI THU

Thu đến làm phai những lá phong

Hơi thu se lạnh, nắng hanh hồng
Màn sương lắng đọng lung linh ngọc
Trăng lượn lờ đêm chiếu trước song
Mây trắng lang thang bay cuối nẻo
Trời xanh man mác nổi chờ mong
Xứ người thấy lá vàng rơi rụng
Đã biết vào thu --- Chạnh nỗi lòng!
SONG QUANG 
 
[10]
THU RIÊNG MỘT CÕI...

Mái xiêu, tường lở rộp rêu phong

Và nắng vào thu nhạt sắc hồng
Gió chỉ se se rung cánh liễu
Mây thời bảng lảng gác chân song
Đường xưa khuất lấp làm sao nhớ
Bạn cũ chia xa chẳng thể mong
Xót cảnh cô phòng mơ viễn khách
Để rồi trăn trở hận riêng lòng
Thái Huy, 17-10-11
[11­­­]
THU và EM

Xuyên khung cửa hẹp nhẹ thanh phong

Chiếu xuống đầu non ráng giảm hồng
Em đứng nhìn mây giăng lấp ló
Em mơ có bạn bước song song
Trên con đường cũ hoa đua nở
Giữa khoảng trời xuân én rộn mong
Ấy thế mà nay dần khuất lấp
Đành chôn kỷ niệm hận cho lòng...
Thái Huy, 18-10-11
 
[12­]
TÌNH THU

Hiu hắt trời mây lạnh cỏ phong

Lao xao rừng lá úa, nâu, hồng
Nhà bên cúc nở vàng hiên cửa
Em thẹn mắt nhìn thoáng cánh song
Có phải Thu xưa còn vọng lại
Hay là nhạn cũ vẫn chờ mong
Canh tàn chếch bóng trăng về cội
Thao thức tình ta ngập cõi lòng.
PHÙNG TRẦN - TRẦN QUẾ SƠN
(Illinois, Oct-18-2011)
 
[13]
THẸN THU

Bên rừng lá dạt trận cuồng phong

Rải rác quanh ta những lá hồng
Nỗi nhớ nhắc hoài người lữ thứ
Cảnh buồn ru mãi kẻ bên song
Bao giờ cho dứt niềm hy vọng
Đến lúc nào nguôi nỗi nhớ mong
Hẹn mãi hẹn hoài rồi lại hẹn
Soi gương luống những thẹn trong lòng
Chân Diện Mục

[14]
THU VỀ

Thu về theo những ngọn thu phong

Dịu ánh hoàng hôn sắc ửng hồng
Sóng gợn làn sen chao mặt nước
Gió mơn đóa cúc nở bên song
Em nơi đất hứa đời yên ấm
Anh ở quê nghèo nổi nhớ mong
Đất nước vô phần tranh đấu mãi
Thu về thay tiết chẳng thay lòng.
20111019
Việt Hạ

[15]
THU VỀ TRÊN BÃI VẮNG

Thu về hiu hắt ngọn kim phong

Bãi vắng hoàng hôn ráng ánh hồng
Cánh nhạn lưng trời bay lẻ chiếc
Thuyền câu mặt nước rẻ đôi song
Người đi tan tác mùa ly biệt
Kẻ ở tơi bời buổi nhớ mong
Nắng nhẹ chiều ru cơn gío tối
Sầu dâng lệ ứa buốt se lòng
Lê Bá lộc

[16­]
Thu Phố

Tiết trời thu phố thoảng huơng phong

Lác đác chòm mây điểm sắc hồng
Văng vẳng bên tai đàn dạo phiếm
Mơ màng truớc mắt cảnh qua song
Quê nhà thăm thẳm nguời hiu quạnh
Đất khách chơi vơi dạ mỏi mong
Nợ nuớc tình nhà đôi gánh nặng
Năm canh trằn trọc mối riêng lòng
Montreal 21 oct
Vagabond
[17­]
THU PHONG

Bỗng dưng trời đất nổi cuồng phong,

Gió đập rung cây rụng cánh hồng.
Ngơ ngác đàn nai bên suối vắng,
Giật mình lũ sóc nép thềm song.
Nắng còn ngơ ngẩn trên đồi tiếc,
Mưa đã cuống cuồng dưới đất mong.
Ào ạt bên hiên như suối đổ,
Thu tan tác lá, sắt se lòng!
Thu T.
[18]
HỒN XA

Ngậm ngùi thi tứ: "... tiếu đông phong"

Ai nép vào hoa ửng má hồng
Đông lạnh luyến lưu dừng trước ngõ
Xuân nồng rộn rã đến bên song
Người đi vương vấn tình ngăn cách
Kẻ ở mơ màng ý đợi mong
Muôn - dặm - nghìn - xưa nào khác biệt
Cùng ta rung một tiếng tơ lòng!
23/10/2011
Đoàn Chinh Nam

[19­] ­
THU NHỚ MONG

Đất lành chim đậu (*) cảnh thu phong

Thanh thản tâm hồn ngắm nụ hồng.
Gió mát mơn man đùa ngọn cỏ
Lá vàng khắc khoải vướng bên song.
Niềm thương lặng lẽ còn ôm ấp
Nỗi nhớ mông lung mãi ước mong.
Khoảnh khắc qua mau bao hối tiếc
Thân tâm an lạc thiết tha lòng.
Minh Lương Trương Minh Sung
(*) Tục ngữ

[20­]
Hờn Thu Níu Nắng

Lá buồn lặng lẽ bỏ rừng phong

Tiên nữ hờn Thu níu nắng hồng
Gọi gió về lao xao cuối phố
Đẩy mưa đi lướt thướt ngoài song
Tô mầu thắm để cây hoài đợi
Ủ giấc nồng cho cỏ mãi mong
Bao cảnh biệt ly mùa chuyển tới
Thiên đình cũng khóc xót xa lòng

Uyên Phương Minh Nguyệt

[21]
THU NÀO

Cũng tại thu nào nổi trận phong

Quê Hương tan tác nhuộm màu hồng
Đau thương Pắc Pó tràn tràn cõi
Khổ nhục Ba đình ngập ngập song
Hưng quốc người người đang quyết chí
Cờ vàng kẻ kẻ vẫn chờ mong
Phen này nhất định không nhường nữa
Đuổi cộng cho xong khỏi hận lòng!!
Tha Nhân kính họa
Camthành 26/10/2011
 
[22]
TÌNH XA

Đếm bao lá rụng giữa Thu phong

Chợt thấy dường như thiếu nắng hồng!
Những tưởng tình xưa về trước ngỏ
Đâu ngờ hương cũ thoáng qua song
Trăng tròn mấy độ: âm thầm đợi
Lá úa bao lần: khắc khoải mong
Muôn thủơ mây trời luôn vẫn trắng
Tình xa: lòng mãi... mãi bên lòng
Văn kế Thế
[23­]
THU TÂM

Mây trời lớp lớp cuộn cùng phong,

Nguyệt lặng vờn mây ửng nét hồng.
Thấp thỏm tầng trời khoe dáng ngọc,
Thập thò bóng thả ướm khuê song.
Đèn khuya một nén sương trông đợi!
Cảnh cũ ngàn đau lá nhớ mong!
Thu đến, vàng rơi thu lại đến,
Đêm tàn nguyệt tạ ngẫm trăng lòng.
27.10.2011
Văn Thiên Tùng
 
[24]
Nhạt Nắng

Đường chiều lá rụng buốt thu phong

Hờ hững tình thu nhạt má hồng
Gió chướng tạt vào trong cửa sổ
Mưa rào tuôn xuống ngoài thềm song
Nắng chiều níu kéo tình hoài vọng
Mưa sớm tràn dâng nỗi nhớ mong
Nhạt nắng giao mùa bao cách biệt
Tình xưa lắng đọng thiết tha lòng
Cao Kiều Phong
10/29/2011
 
[25]
Thu Xót Xa

Trời thu nắng nhạt bờ rêu phong

Thăm thẳm đường quê lấm bụi hồng
Một sớm chia lìa hồn cố quốc
Bao chiều ngóng đợi kẻ bên song
Thu đi năm tháng mây theo gió
Hè lại đêm ngày ước với mong
Người hỡi xa nhau còn tiếc nhớ
Riêng ta vẫn mãi xót xa lòng
Tuấn Đình
31/10/2011
 
Nhớ Một Mùa Thu
Vàng nâu đã điểm khắp rừng phong
Báo hiệu thu sang ngập nắng hồng
Chợt nhớ năm nào nơi cố quốc
Chót thương ai ấy nép bên song
Mắt nhìn hờ hững người mơ mộng
Chân bước ngập ngừng ta ước mong
Một sớm thanh bình xin hẹn gặp
Cho vơi nỗi đợi thỏa thuê lòng
Tin Giang
11-02-2011
(Nguồn: E-mail)

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

THƠ BÙI GIÁNG – TỪ PHÁ THỂ SANG HỘI NHẬP

October 13, 20122 B�nh Luận
Trong thơ Bùi Giáng luôn luôn có một trạng thái mâu thuẫn tự tại, từ bản thể, nhân sinh quan, tới ngôn ngữ sáng tạo. Những khía cạnh trái nghịch nhau về tư tưởng và hình thức được lồng ghép lại, vừa để phủ nhận, và cũng để thừa nhận lẫn nhau trong một thế biện chứng bất giải. Tình trạng nghịch lý đó được Jacques Derrida qui định trong một từ ngữ mới — “différance” — do ông sáng chế bằng cách ghép nghĩa của hai từ ngữ “différence” (khác biệt/phân biệt) và “différance” (différer/trì hoãn) thành một.
Theo Derrida, ngôn ngữ và từ ngữ luôn luôn mang trạng thái ngộ nhận và ngờ vực, vì ngôn ngữ và từ ngữ chỉ là những thể cách biểu hiệu giai đoạn của sự khác biệt và bất toàn, tách mảnh, trong tư tưởng về bản thể, nhân sinh quan và vũ trụ quan. Cách phân tích này đặt trên căn bản xét lại một tác phẩm được hình thành qua kết cấu hủy tạo hay phá thể (Déconstruction / Défigurations du langage ).
Đọc thơ Bùi Giáng khó có thể thấu hiểu ngay chân ý, hoặc nguyên ý của tác giả, mà chỉ có thể nhận định sự tách mảnh ngôn ngữ và tư tưởng qua những dấu hiệu bất toàn đang chuyển dần từ nỗ lực phá thể sang sinh lực sáng tạo. Người đọc thơ Bùi Giáng cần hội nhập toàn diện trào lực đó.
Thơ Bùi Giáng, trước hết, là một cuộc đàm thoại miệt mài, vơi những câu hỏi liên tục và những câu trả lời không rõ rệt, vì mong lung và phổ quát, như trong bài “Tặng Mã Giám Sinh” (BG.193):
“Hỏi tên rằng biển xanh dâu
“Hỏi quê ? rằng mộng ban đầu đã xa
“Gọi tên ? rằng một hai ba
“đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
Cuộc vấn hỏi này, dù xuất xứ từ ai, cũng chỉ mang lại một hồi âm mơ hồ và bất tận, liên can tới một hiện tượng biến đổi liên tục. Dù vĩ đại và trường kỳ đến mấy, sự biến đổi đó chỉ hiện hữu trong ý thức và tâm thức của thi nhân về một nhân sinh quan và vũ trụ quan luôn luôn khác biệt và khiếm khuyết. Trước hết, sự biến cách hay “sái diện” (BG.5) của cái “ta” nơi Bùi Giáng theo diễn tiến một sự kết cấu qua thể hủy tạo hay phá thể (déconstruction-défiguration) đa diện và đa trạng. Đó là một trào lực có khuynh hướng vừa ly tâm, vừa hướng tâm, nhằm phá vượt hai chiều những biên giới bản thể, để chủ thể trở thành khách thể, cái “ta” trở thành “không-ta”, thành “mình”, thành “em”, hoặc ngược lại, trong một thế tách-nối vô định và bao quát liên hệ tới nhân thể, như trong câu:
Nhìn em như thể nhìn người …
Nhìn người như thể nhìn ta
Tự mình nâng cốc rót ra rót vào (BG.195);
hoặc:
Nhớ quên người nhớ quên người
Tầm sương sái diện ai người ai ta (BG.155).
Đặc biệt là hiện tương người “láng giềng”: đó là vị thế của một thứ tha nhân, vừa xa lạ, vừa gần gũi, ở bên kia hàng rào, nhưng lại bên cạnh vách tường, từng sống giáp ranh như những mảnh “ta” chia cách, nhưng vẫn còn luyến tiếc tâm giao:
Láng giềng tâm sự là ta với mình (BG.174)
Trong quan niện tách-nối này, thi nhân có lúc cảm thấy bớt lẻ loi, đỡ cô đơn, vì có khả năng “khuếch xung” (BG.22) thành những thân phận khác. Nhờ đó, thi nhân thẩm thấu được những cảnh huống đa thể, đôi khi như mâu thuẫn với chính mình: sống hộ người khác; sống qua người khác; hoặc sống-bên-cạnh và lạc lõng ngay chính bản thân mình. Cũng như sống và không sống, đôi khi chi là một cảm giác, một quan niệm hai bề. Đó là viễn tượng “trùng khơi” (BG.54) qua những bản thể và trạng huống tư duy khác nhau thành những trào lực dây chuyền tiếp nối.
Ngay với tại bản thể, sự “sái diện” của cái “ta” cũng là một hiện tượng “điệp trùng” (BG.29) nhân cách, được thể hiện qua tâm thức và ấn tượng đa diện từ chính bản thân mình. Cái “ta” đó luôn luôn là môi trường xung đột hoặc gặp gỡ của những tâm trạng tỉnh và say, điên cuồng và sáng suốt, vui và buồn, lẫn lộn. Đôi khi tình, tỉnh và điên cũng có thể tiếp ứng nhau một cách kỳ diệu để trở thành thứ “tình điên…chơi vơi” so với “tình không điên” (BG.62) cũng đầy hỗn mang — tĩnh và loạn cùng một nơi, và có thể cùng một lúc. Đảo điên đôi khi lại tách biến thành “cuồng mộng” (BG.69, 92, ), thành “niềm vui vô hạn” và “niềm đau vô lượng” (BG.95), trong một thể luân phiên hư hư thực thực: “Vui quá giả bộ buồn” (BG.119). Sự sái diện của cái ta đảo điên đôi khi còn đi song song với hiện tượng “khuếch xung” và phản “khuếch xung”, qua những giai đoạn so sánh hay ám chỉ dí dỏm như sau:
Điên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần
Phải chăng đây là những lời tự mỉa mai (phản khuếch xung), hay tự tâng bốc (khuếch xung), nói thế nào cùng đúng, và cũng có thể sai, vì làm sao biết được thi nhân điên hay không điên, thơ hay thẩn, thần hay ngợm ?
Sự “sái diện”, “điệp trùng” và “khuếch xung” của cái “ta” trong thơ Bùi Giáng, không những chỉ có tính cách thuần nhân, liên hệ tới ta và không-ta, mà còn thẩm thấu xuyên qua các giới sinh vật, qua thiên nhiên, trong một vòng “trùng sinh thái thậm” (BG.19). Có lúc thi nhân muốn truy dụng cái phong độ của “tuổi cọp” mình để đủ bản lãnh “giữ mộng đười ươi” (BG.56); hoặc theo “ngựa về núi đá đầu thai” (BG.19). Cũng có lúc thi nhân như có thể thu kết được cả vũ trụ, thấy “mưa gió trong thân” (BG.73), hoặc nghe “mùa đông dậy chậm mau trong mình” (BG.132).
Sự “sái diện”, “điệp trùng” và “khuếch xung” từ nhân sinh quan tới vũ trụ quan luôn luôn ám ảnh Bùi Giáng đến nỗi thi nhân đã phải thốt lên:
Từ đó về sau Trẫm đau đớn thiết tha
Và không còn biết mình là cái gì nữa cả (BG.11)
Nhưng sự tách-biến hoặc phá thể siêu (xiêu) hình này không hoàn toàn đưa đến sự khước từ nhân cách hoặc tự hủy trong tư tưởng, mà lại có ích dụng hoặc chức năng làm rẫy và mở đường phóng toả, nhằm truy dụng những “ngõ ban sơ” (BG.122), như thể tìm kiếm “dấu” (BG.168) tích của một nguồn gốc xa xưa; như để tìm lại huyền sử trong “trang phai cỏ” (BG.54). Nguồn gốc của bản thể trong ta và ngoài ta được Bùi Giáng gọi chung là quê quán của “mộng ban đầu đã xa” (BG.193), là “cố quận” (BG.17, 20, 32, 85, 96…) vừa thực thể dưới hình thức tương tự của “phố cũ” (BG.85), hoặc “viễn phố” (BG.5), vừa trừu tượng như quan niệm “nguyên thủy (BG.20) của không gian và thời gian vô tận, của những “nghìn xa vắng ” (BG.35) còn phảng phất mơ hồ trong tiềm thức nhân loại.
Nỗ lực phá thể đã cùng lúc chuyển sang sinh lực hội nhập, vừa hướng tâm, vừa hướng nguồn. Tác động biểu lộ trào lực này được diễn tả qua cụm động từ “đi về” (BG.6, 68, 70, 73, 90, 110, 137, 158…), một hình ảnh động mà Bùi Giáng đã dùng đi dùng lại như một ám ảnh, hay một đam mê: ở đầu nhiều bài thơ, ở giữa, ở cuối, ở bất cứ đâu, thành những lời rủ rê, ve vãn; những mời mọc thiết tha; những thôi thúc nhiệt tình:
Đi về giũ áo cà sa
Trút tờ phong nhã từ ta tặng người (BG.6)
hoặc:
Đi về tinh thế đa mang
……….
Quy hồi cố quận lênh đênh (BG.68)
như:
Đi về giữ lá đầu cây (BG.70)
hoặc:
Đi về với gió phù du (BG.90)
Sau những giai đoạn phá diện như “đi qua dâu biển rối bời” (BG.158), thi nhân đã nhập cuộc trở về “nguyên thủy” (BG.20), về nguồn gốc chung của sinh loại và vạn vật, về một điạ danh huyền ẩn, nơi mà Bùi Giáng gọi là “cố quận tập trung” (BG.20). Đó là lộ trình trở về nguồn, về cội, về trái tim vũ trụ, mà cũng là trái “tim thơ rướm máu” (BG.46, 91, 206), nơi thi nhân đã “đi về đi ở dấn thân” (BG.158) suốt cuộc đời mình.
Bùi Giáng cũng đặt lại vấn đề ngôn ngữ một cách miệt mài, qua nhiều giai đoạn hủy tạo tiếp nối. Bùi Giáng nhắc tới ngôn ngữ rất nhiều lần trong tập thơ, không hẳn để liệt kê những dụng cụ, những phương tiện diễn tả, mà hầu như để kết nghĩa với chúng, như đem trình làng những cộng tác viên mật thiết, song song và tương xứng với tư tưởng của thi nhân. Ngôn ngữ và “thy ngữ” dưới tay Bùi Giáng đã trở thành những thành viên, những chủ thể có đặc tính riêng biệt và “chức năng” rõ rệt trong sinh hoạt sáng tạo toàn bộ.
Trước hết, ngôn ngữ từ Bùi Giáng không thuần nhất và cố định, vì chúng có khả năng tách biến hoặc “phân ly” (BG.200) từ hình dung tới nội dung để trở thành “sái diện” (BG.73). Sự tách biến và sái diện của ngôn ngữ được hình thành qua những giai đoạn “trùng vây…trùng khơi” (BG.39); hoặc theo ngư điệu “điệp trùng” (BG.73 & 117) hoặc “tam trùng tứ điệp” (BG.24). Riêng để chỉ định hình dung và sắc thái của thơ, ngôn ngữ Bùi Giáng đã phải tự tách biến qua dấu hiệu “cảo thơm” (BG.26); “phương cảo” (BG.27), phù du như “trang phai cỏ” (BG.54), bay bổng như “lá rừng kết tập hàng hàng so le” (BG.74). Thơ Bùi Giáng lại mang những dấu tích tâm linh, khi tự mở thành những “trang mơ ” (BG.190), hoặc những “trang lịch sử” (BG.141) có thể làm ấm lòng người, dù đó chỉ là những “tờ mộng rách” (BG.206).
Ngôn ngữ được thi nhân phân loại theo tâm hướng: “ngữ ngôn cuồng dại” (BG.9); “ngôn ngữ hồ đồ” (BG.28,138); “ngôn ngữ xuề xòa” (BG.30); “ngữ ngôn bừng dậy” (BG.45). Hoặc theo chức năng kết tạo: “Ngữ ngôn thi điệu thêu thùa” (BG.59); “ngữ ngôn thích ứng (BG.31); “Ngữ ngôn thích dụng như hà” (BG.78); “Ngữ ngôn viễn lữ kim tuyền” (BG.178); “ngôn ngữ tuyệt trù” (BG.38,87); “ngôn ngữ nguy nga” (BG.114). Hoặc thành nhịp độ trào lực: “ngôn ngữ trùng vây…trùng khơi” (BG.39); “Ngôn ngữ điệp trùng” (BG.73,117); “Ngôn ngữ cuối cùng” (BG.126); “Ngôn ngữ phân ly” (BG.200).
Từ thi nhân chơi chữ phát hiệu ra một thứ ngôn ngữ “chịu chơi” (BG.184), duyên dáng lạ lùng: “Thân láng giềng” đảo ngữ thành “Giếng làng mọc cỏ thuyền quyên” (BG.202); từ cuộc “Chiêm bao đứt ruột” ngôn ngữ đã đảo thành “bao chiêm”, rồi để đảo ngược thành “biêm chao”, và cuối cùng láy thành “biên chép” (BG.203), trong một vòng liên âm, liên tưởng độc đáo.
Chơi chữ là đấu trí và cũng là cách trả đòn, trả đũa, sửa lưng thâm độc:
Que diêm que lửa que lời
Cõi trăm năm cũng một đời ba que
Ba que bốn quít hội hè
Tầm sưu nhậu nhẹt đề huề bủa giăng (BG.37)
Thoạt đầu thi nhân có vẻ nhắc tới sứ mạng của mình một cách khá tinh vi, như muốn mượn lời thi sĩ lãng mạn trong văn chương Pháp tự ví mình như “kẻ lấy trộm lửa thần”, khi dùng ba chữ “diêm”, “lửa” và “lời”. Nhưng khi chơi luôn ba lần chữ “que”, rồi đột nhiên ghép thành “ba que”, thì chữ chơi không những nghịch ngợm, mà còn thêm vẻ đanh đá: xỏ lá ắt phải chơi với “ba que” mới đủ cái nghĩa đểu cáng của nó ! Nếu tiếp tục trò chơi chữ này bằng cách nhái giọng hoặc nói lóng, thì từ “bủa giăng” không biết còn văng ra chữ gì nữa ?
Chơi chữ hoặc chữ chơi có lúc cũng sâu sắc, xót xa như trong câu:
Lòng mơ hủ tiếu miệng lồ gồ dâng (BG.32)
Nếu đem dòng thơ này ra phân tích, thì thấy phảng phất một vị thơ “Bài Cú” (Haiku) của thi ca Nhật, vì ý và âm độ ngôn ngữ hài hoà đã đạt được tính chất siêu việt ngay trong cái gì tầm thường nhất: nhờ ở chữ “mơ” mà miếng ăn nhẹ hẳn đi, đỡ phần trần tục. Sự thèm thuồng trở nên trừu tượng, như tiếng gọi của đam mê. Riêng cụm từ “lồ gồ dâng” lại biểu hình một cách rất hóm hỉnh về tác động lên xuống, lồi lõm như miệng đang nhai. Đồng thời cũng phảng phất âm thanh một “logo”- lời biểu hiệu, hoặc nhai nhái như một “slogan” – cái khẩu hiệu thôi thúc, mời mọc: bên cạnh một món ăn vật chất có sự hiện diện điển hình và cần thiết của món ăn tinh thần; hoặc, ngược lại, tất cả cuộc sống, ăn uống, dù ở cái thế tận cùng, tầm thường nhất, cũng chỉ là giấc “mơ”, là lời nói suông, tuyên truyền vu vơ, vừa để ngụy biện, vừa để tự dối lòng. May là mơ và mộng của Bùi Giáng lại đa diện về mặt ngôn ngữ, nên có lối thoát cho thi nhân trong nỗi thèm thuồng bất toại. Vậy nếu còn có “Lòng mơ hủ tiếu miệng lồ gồ dâng ” thì chưa đến nỗi tuyệt vọng.
Đôi khi chơi chữ lại tế nhị, ân cần như trong câu:
Từ thơ phố thị tới nàng nàng nương (BG.64)
“Nàng” và “nương” tuy cùng nghĩa, nhưng vì được láy đi láy lại tới hai ba lần với nhịp độ điệp trùng trầm âm, nên đượm thêm vẻ nũng nịu, trìu mến.
Chơi chữ còn ấm ớ và khêu gợi như trong bài thơ “Em đi” (BG.44):
Em đi áo mỏng quần dày
Áo dày quần mỏng máu đầy hở hang …
Hoa đời động đậy từ hang khe rừng
Không những đồng âm, “hở hang” và “hang khe rừng” còn a tòng và đồng lõa tham dự vào cuộc chơi tẩn mẩn, dùng cặp mắt nhìn trộm (voyeurisme) “hoa đời” và trái cấm. Nhờ người nhìn trộm là thi nhân, nên đối tượng của cái nhìn đó được thi vị hoá, phơn phớt đượm vẻ khêu gợi, thứ khiêu dâm nhẹ nhàng, úp úp mở mở trong mộng tưởng và trong ngôn ngữ:
Ngữ ngôn bừng dậy đầu hang khê đầu (BG.45).
Ta hãy đọc thêm câu sau:
Cái quần cái áo là bao
giá bao nhiêu mộng mỵ nào là mơ (BG.48)
Bên cạnh “cái quần cái áo”, vốn là những tấm vải che thân, ngôn từ “là bao” được dùng để đặt một câu hỏi về số lượng, hay chỉ để ám chỉ vật thể “bao” bọc bên ngoài. Câu này cũng cho ta nghi rằng, ngôn ngữ qua tay Bùi Giáng chỉ là cái “quần”, chiếc “áo” bọc ngoài tư tưởng và ý thơ. Phía trong thân thể của thơ, của “thy ngữ” là “mộng mỵ”, là mơ, là hẹn hò chờ đợi. Làm thơ và đọc thơ là làm tình với ngôn ngữ. Và thơ Bùi Giáng là tiếng gọi tình miệt mài trong đam mê:
Hỏi rồi hỏi nữa, hỏi hoài
Hỏi liên miên gọi tình hoài mê man (BG.49)
Cách độ dùng ngôn ngữ trong thi ca Bùi Giáng láy đi láy lại như nhịp độ một câu thần chú (incantation) hoặc theo nhịp tụng “mantra”:
Nền thi nhạc nếp hây hây…
Nền vô vi vút vi vèo (BG.32)
Ngôn ngữ đã sống hộ cho thi nhân, theo cung vần xoay bậc tái sinh, như bài thơ sống lại một lần nữa. Đó là trường hợp của “Bài thơ số dzách” (BG.79) mà toàn thể đã tái sinh trong bài “Từng cơn” (BG.119). Thi nhân chỉ việc “chép” lại và thêm dòng tái bút: (Vui quá giả bộ buồn), rồi đổi tên thành bài mới. Như vậy, Bùi Giáng đã sống chọn vẹn quan niệm thơ là thái độ với thơ. Mỗi khi chép lại, đọc lại một bài thơ là đã sống lại bài thơ đó một lần nữa, một cách khác. Người đọc hoặc ngâm thơ cũng có thể coi là đồng-thi-nhân, được tái nhiệm để tiếp tục công việc còn dang dở của người viết đầu tay chưa diễn tả hết lời, chưa sống hết độ thơ.
Nếu Bùi Giáng chỉ là người “chép tờ cuồng loạn ….chép câu gây cấn” (BG.135,192); “chép tờ mê hoặc thơ ngây” (BG.182); cũng như “chép tờ thạch lưu (BG.191), thì bài thơ đó cũng đã trở thành “bài thơ vô lượng” (BG.117) đang kết chùm thiên nhạc với giấc mơ, và có khả năng
đổi thay tình mộng vô cùng
đổi vô biên với điệp trùng đối nhau
(BG.29).
Ngay trong “tim thơ rướm máu” và trần tục, Bùi Giáng đã vượt qua phân cách và đối nghịch để về lại chốn vô biên — nơi vô lượng và vô thường nhập thành một.

TS. Lưu Nguyễn Đạt
(TRÍCH VĂN LUẬN, CỎ THƠM, 2000)
www.vietthuc.org

Mượn Dấu Thời Gian — Bùi Giáng

October 13, 20120 Bình Luận
Bùi Giáng
Bùi Giáng
Sinh 17/12/1926 ( Quảng Nam)
Mất lúc 14 giờ ngày 07/10/1998 tại Sài Gòn vì tai biến mạch máu não
Hưởng thọ 73 tuổi
Nhà Thơ, Nhà Văn, Dịch giả
Bút danh khác: Trung niên thi sĩ, Bùi Giàng Búi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng
Biệt danh: Đười ươi Thi sĩ
“Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang”Bùi Giáng
Nguyễn Du
Phạm Thái


Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng   
1988Còn trăm con mắt đười ươi khóc người



                                                                                           pnfoto
Hommage à Bùi Giáng
Collage: Phan Nguyên
Bùi Giáng: Tiểu sử tự ghi
Đười Ươi Chân Kinh
nxb Hội Nhà Văn
 
Tác phẩm đã xuất bản
Tập Thơ
Mưa Nguồn (1962)

Lá Hoa Cồn
Màu Hoa Trên Ngàn 
Ngàn Thu Rớt Hột (1963)


Bài Ca Quần Đảo (1963)
Sa Mạc Trường Ca (1963)

Sa Mạc Phát Tiết (1972)

Mùi Hương Xuân Sắc (1987)

Rong Rêu (1995)

Đêm Ngắm Trăng (1997)

Thơ Bùi Giáng  (Montréal, 1994)
  Thơ Bùi Giáng  (California, 1994)
Mười Hai Con Mắt (2001)

Thơ Vô Tận Vui (2005)


Mùa Màng Tháng Tư (2007)

Nhận Định
Một vài nhận xét về
Bà Huyện Thanh Quan
Một vài nhận xét về
Lục Vân Tiên
 Chinh Phụ Ngâm
Quan Âm Thị Kính
Một vài nhận xét về truyện Kiều
và truyện Phan Trần

(Tất cả đều được xuất bản năm 1957)

Giảng Luận
Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
Giảng luận về Tôn Thọ Tường
Giảng luận về Phan Văn Trị
(Tất cả đều được xuất bản năm 1957- 1959)

Triết Học
Tư Tưởng Hiện Đại (1962)

Martin Heidegger
Tư Tưởng Hiện Đại I và II (1963)
Sao Gọi Là Không Có Triết Học Heidegger? (1963)

Dialogue (viết chung, 1965)

Tạp Văn
Các sách xuất bản năm 1969:

Đi Vào Cõi Thơ
Thi Ca Tư Tưởng
Sương Bình Nguyên
Trăng Châu Thổ
Mùa Xuân Trong Thi Ca
Thúy Vân
Các sách xuất bản năm 1970:
Biển Đông Xe Cát
Mùa Thu Trong Thi Ca
*
Các sách xuất bản năm 1971:

Ngày Tháng Ngao Du
Đường Đi Trong Rừng
Lời Cố Quận
Lễ Hội Tháng Ba
Con Đường Ngã Ba – Bước đi của Tư Tưởng
  
Sách Dịch

Các sách xuất bản năm 1966:
Trăng Tỳ Hải
Cõi Người Ta
 Khung Cửa Hẹp
Hoa Ngõ Hạnh
  
Othello
Trường Học Đờn Bà
Các sách xuất bản năm 1967:

Tùy bút Tạp bút Thần thoại Hy Lạp
Bạo Chúa Caligula
Ngộ Nhận
Kim Kiếm Điêu Linh
*
Các sách xuất bản năm 1968
Con Người Phản Kháng
Mùa Hè Sa Mạc
Kẻ Vô Luân
*
Các sách xuất bản năm 1969

Nhà Sư Vướng Lụy
Ophelia Hamlet
Hòa Âm Điền Dã
Các sách xuất bản năm 1973 & 1974:


Hoàng Tử Bé (1973)
Mùa Xuân Hương Sắc (1974) ???
Và nhiều tác phẩm khác chưa được thống kê đầy đủ
Đặng Tiến : Bùi Giáng, Sơ thảo tiểu truyện
Nhạc: Trịnh Công Sơn
Ý thơ: Bùi Giáng
Nguyễn Hưng Quốc: Trường hợp Bùi Giáng
http://www.dactrung.com/Bai-bv-444-Truong_Hop_Bui_Giang.aspx



Trịnh Công Sơn vẽ Bùi Giáng


Bùi Giáng le beau gosse 89
  
  
  
Trịnh Công Sơn đàn, Bùi Giáng múa
Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn
Ngô Văn Tao: Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn
http://www.tcs-home.org/ban-be/articles/bui-giang-va-trinh-cong-son/Em Đi Bỏ Mặc Con Đường
Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng

Bùi Giáng tự họa
Búi Giàng vẽ Đường Kinh Họa Sỹ. 1988
Bùi Giáng vẽ Trịnh Công Sơn
*
Quê Chàng là Ithaque

Bức tranh hiếm hoi còn lại sau cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi căn gác và toàn bộ những bức tranh của thời “Bùi Giáng họa sĩ”
Thụy Khuê: Hiện Tượng Bùi Giáng
http://chimviet.free.fr/tacpham1/stt2/BUIGIAN1.html

Thư Thanh Tâm Tuyền viết gởi …đảo xa.
Sài Gòn 27.7.1973

Rồi sau buổi tối mới tới Trung niên thi sĩ. Thảm lắm. Leo lên leo xuống cầu thang tìm hộc hơi. Kéo đi uống cà phê, ăn bánh, cười lú khú như “đười ươi” cả. Hắn đói. Đói đúng nghĩa.
Cung Tích Biền: Bùi Giáng, nhà thơ của ngày tháng ngao du
http://tuhoaitan.blogspot.com/2008/12/cung-tch-bin-bi-ging-nh-th-ca-ngy-thng.html
Kỳ nữ Kim Cương

Kim Cương tại đám tang Bùi Giáng
  
Tình sử Bùi Giáng – Kim Cương
Thơ Trịnh Cung 

(lần đầu tiên phổ biến)
Ngày 15/02/2012

Ngày cuối năm gặp Bùi Giáng

Trưa ngày cuối năm dần
Ta ngược về gia định
Tìm nhành mai chợ tàn
Giữa dòng người xô đổ
Ngược xuôi lờ hỏi han
Ta tìm mai chẳng thấy
Gặp Bùi Giáng giữa đàng
Áo vá chằng lấm láp
Lưng đeo bó hoa vàng
Miệng cười lòng tuôn chảy
Một dòng thơ thay xuân
Miệng cười hồn treo pháo
Mừng đời thơ thênh thang


29 tháng chạp năm Dần
28.1.87

Trịnh Cung


  
  
Bùi Giáng & Đinh Cường
Đinh Cường vẽ Bùi Giáng
  
  
  
Lục bát tặng Đinh Cường

                               Niềm vui tao ngộ xa dần

                                                     Còn riêng ở lại

                                                               một lần này thôi !
                                                       9 -8 – 86
                                                                Bùi Giáng 
                                                        Tục gọi là (B.v.Bốn)

 Tuyển tập về nhà thơ Bùi Giáng
Võ Đình vẽ Bùi Giáng
  
Bùi Giáng hai tháng trước khi qua đời 
vì tai biến mạch máu não, tháng 08/1998
Mộ phần thi sĩ Bùi Giáng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức
Tọa đàm thơ Bùi Giáng
Collage PN
“Vui thôi mà”
“Vui thôi mà”
“Vui thôi mà”
Nguồn: E.E – Emprunt Empreinte – Mượn Dấu Thời Gian
Nguồn chính xác của trang Bùi Giáng:
E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian

http://phannguyenartist.blogspot.com/2012/02/bui-giang.html

***********************************