Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Ông già và Tivi (Tức: Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh) - Phan Thanh Tâm

|

Ông già và Tivi

“Ông già và Biển cả” của văn hào Ernest Hemingway ấn hành năm 1962 là một người nghèo khổ nhưng không chút buồn nản trước mọi hoàn cảnh; lấy biển khơi làm lẽ sống; còn các ông già ở Mỹ thì sống cô đơn, không phải lo về sinh sống mà lại có một nỗi buồn ray rứt thật khó tả vì các ông thấy sự sống của các ông đã bắt đầu ra đi bằng những bước chậm rãi. Tuy chán đời, nhưng vì thế giới của những năm đầu Thiên niên kỷ III có nhiều chuyện lạ khiến các ông xem TV nhiều hơn. Nhờ vậy, các ông mới nhận thấy có một người bạn chung thủy vẫn luôn luôn ở trong phòng ngủ các ông. Người bạn đó là cái TV.
Từ đây, cái máy TV không chỉ là bạn mà còn là một người Thấy rất hấp dẫn. Hấp dẫn hơn cả những người tình của các ông khi còn trẻ. Các ông ghiền ông Thầy, ghiền cái máy TV vì nó đã cho các ông biết từng giờ, từng phút các sự việc xảy ra trên khắp thế giới. Các ông tò mò chăng? Không học hỏi đấy! Và các phim điện ảnh trên TV là trò giải trí chăng? Nó còn hơn gấp bội lần giải trí, vì đó là những câu chuyện về con người, về những cuộc sống với những tình tiết éo le, phức tạp, khiến các ông đôi khi cười lên như nắc nẻ, hay nhỏ lệ thương đau. Ông Thầy TV đã dạy những bài học thấm thía về tình, tình đời cũng như tình người, chữ thời cổ là nhân tình thế thái, nhất là tình yêu của trai gái.
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

Đây là những dòng trích trong bài báo ÔNG GIÀ VÀ TIVI của một ông cụ 89 tuổi. Ông cụ này là cố nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Ông trao cho tôi mẫu bài này hồi mùa hè năm 2009 khi tôi đến San Jose’ ở lại nhà ông hai ngày nhân dịp sinh viên báo chí Vạn Hạnh miền Đông Bắc và một số anh em Việt Nam Thông Tấn Xã cùng tổ chức mừng 60 năm làm báo của ông. Bài báo còn viết, con người học từ cái máy, không phải để bắt chước y hệt mà phải biết sàng lọc, loại bỏ những vu khống, lạm dụng. Ông cụ nhắn nhủ, hãy mở bộ óc ra để thâu vào những tư tưởng tự do trong sáng của thời đại mới, thay vì đóng óc để giữ chặt chủ trương bảo thủ cực đoan đã lỗi thời.
Sinh ở Bắc giang năm 1921, qua đời ngày Chủ Nhật 12 tháng 8 năm nay, hưởng thọ 92 tuổi, nhà báo Sơn Điền thuộc thế hệ già nhất trong làng báo tiếng Việt hải ngoại. Ông vào nghề nhờ cuốn “A.B.C du Journalisme” rách nát của bậc đàn anh Trần Việt Sơn trao cho từ năm 1948 và viết truyện ngắn dưới bút hiệu Tùng Khanh. Suốt đời sống đạm bạc bắng ngòi bút; bài báo cuối cùng của ông là bài Kinh Động Vũ Trụ ngày 7/19/12 nói về các nhà Thiên Văn Mỹ đã tạo ra một loại máy khám phá những bí mật của Hoả tinh. Tại sao không an dưỡng với tuổi già mà viết nhiều vậy? Ông nói vì có mối sầu vong quốc. Ông mượn lời nhà văn được gỉải Nobel năm 2000 Cao Hành Kiện để trả lời: viết cho dịu đi những nỗi thống khổ trong lòng. Để theo dõi thời sự, ngoài xem TV, Internet ông còn đọc nhiều loại sách báo ngoại quốc.
Theo nhà báo lão thành, báo mà không có tin tức thì không thể là báo. Tuy báo đọc không thể có tin sốt dẻo, đưa tin nhanh bằng tin chớp nhoáng (breaking news) của CNN, CBS, NBC, ABC ..hay Headline News của mấy đài phát thanh; nhưng báo đọc sẽ không thua báo nhìn (TV), báo nghe (Radio) và sẽ không biến mất. Tin nhanh cần; nhưng báo đọc cung cấp nhiều chi tiết làm nổi bật ý nghĩa thực sự của tin. Những chi tiết đó chỉ có thể có với thời gian và với lời bình của các nhà phân tách thời sự. Trong bài Bước Nhỏ, Đường Dài (tháng 8, 1966) viết về nghề mà ông đã công hiến cả đời, từ lúc ban mai cho đến lúc xế chiều, ông đặc biệt nói đến đạo đức, kỹ cương và tinh thần trách nhiệm nằm trong lương tâm của người ký gỉả chuyên nghiệp hay nghiệp dư.
Trong bài báo, ông còn cho thấy ước vọng xây dựng ngay tại hải ngoại một nền tảng cho một ngành báo chí hiện đại và lành mạnh cho đất nước Việt Nam trong tương lai, khi chế độ độc tài đảng trị phải nhường bước cho một chế độ tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Việc viết báo tiếng Việt ở các nước tự do có cộng đồng người Việt cư ngụ có sứ mạng bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ và phong phú hóa tiếng Việt bằng việc dịch ra tiếng Việt các từ ngữ mới mỗi ngày một nhiều ở những nước đứng hàng đầu về phát triển truyền thông. Vẫn theo ông, định luật số một của nghề làm báo là khiêm tốn, ký giả không được coi thường độc giả. Độc giả là người thầy của nghề làm báo.
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh làm việc cho Việt Nam Thông Tấn Xã, thường được gọi là Việt Tấn Xã (VTX) từ năm 1951 ở Hà nội; từng làm phóng viên, đặc phái viên; phiên dịch viên Anh, Pháp, phụ trách các bản tin quốc nội, quốc tế; tu nghiệp, thực tập tại thông tấn Kyoto, thông tấn Jiji, nhật báo Mainichi, nhật báo Asahi; mê say các môn Vật lý, Không gian, Vũ trụ nên ngoài việc viết bình luận về thời cuộc, ông còn viết về các đề tài khoa học. Thông thạo Anh, Pháp và Nhật, cộng tác với các báoThần Chung, Đuốc Nhà Nam, Dân Chủ Mới, Saigon Mới, Tiếng Chuông, Trắng Đen, Quyết Tiến, Hoà Bình, Độc lâp…; dịch thuật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Nghê Khuông, Gia Cát Thanh Vân từ nguyên chữ Hán cho các báo Việt Ngữ ở Saigon.
Một nhà báo quí hiếm
Năm 1965 ông được cử làm Tổng Thư Ký Việt Tấn Xã, chịu trách nhiệm ba ấn bản Anh, Pháp, Việt, điều hành hàng trăm nhân viên; cơ quan này có tổ chức như một Tổng Nha tự trị, nhưng ông vẫn có cung cách một nhà báo. Việt Tấn Xã sinh hoạt như một toà soạn, coi nhau như anh em một nhà; ai cũng kính trọng quí mến ông, gọi ông bằng Anh. Sau 1975, ông bị đi tù 12 năm ở Gia Trung Pleiku, cùng với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ khác. Thời gian bị giam cầm, ông “bao giờ cũng là tấm gương sáng hiểu biết, bình tĩnh, hòa nhã”. Tháng 2/1992, ông bà sang Mỹ đoàn tụ với các con ở San Jose’, lúc đó đã hơn thất thập, ông không dừng bút mà tiếp tục viết cho mục Trước Thời Cuộc cho đến khi hết ngồi viết nổi. Người bạn đời mất trước ông bảy năm.
Trong cuốn “Tâm Pháp Khí Công”, xuất bản mùa thu năm 2009 mà ông là tác giả, nhà bình luận thời cuộc cho biết nhờ tập luyện như những điều viết trong sách, tinh thần và thể xác ông còn kháng kiện, làm việc bình thường 6, 7 tiếng đồng hồ một ngày, trừ chủ nhật, “tôi chỉ làm có 4 tiếng”. Trong cuốn sách này, ông còn kể lại hồi trẻ ông cũng có học võ Thiếu Lâm; thời gian ở Nhật học “Kiếm đạo”, (Kendo), tìm hiểu về Nhu đạo, Thiền, nghiên cứu về Yoga, Hiệp khí đạo (Aikido) của Nhật và Thái Cực Đạo của Đại Hàn. Ngoài ra, ông còn có để ý đến nhiều phương pháp luyện công, luyện khí bắt nguồn từ sự khai sáng của Đạt Ma Tổ Sư ở chùa Thiếu Lâm, liên quan tới Phật pháp.
“Vô Tư, Trung Thực, Tôn Trọng Độc Giả; chúng tôi đưa tin, độc giả phán xét”. Đó là những lời trong bài góp ý với Đại Hội truyền thông hải ngoại hồi tháng 4 năm 2003 tại Cali, của nhà báo lão thành. Ông nói, hai cột trụ của nghề làm báo là kiến thức và đạo đức. Theo ông, học vấn giản dị chỉ là sự tích lũy kinh nghiệm.Trau dồi kiến thức không nhất thiết chỉ ở trường học mọi cấp mà ở trường đời. Nghề báo là môi trường tốt nhất cho sự học hỏi. Hành nghề báo chí phải kiên nhẫn chiụ khó tự học, ngày ngày phải học và học mãi cho tới già. Nghề này là một nghề tự do, không ai đòi hỏi bằng cấp hay giấy phép. Có kiến thức rộng mới có tư duy sâu sắc, luận bàn chín chắn.
Về báo chí và đạo đức, ông cho rằng nó nằm trong những đạo lý thông thường về nhân phẩm và tư cách của con người. Đây là một mảnh đất rất mông lung vì cái đạo đức của tôi có khi không giống cái đạo đức của anh. Tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào chữ Tâm, nơi chứa toàn bộ năng lượng con người. Đó là tinh thần trách nhiệm. Ông kể chuyện Trần Quang Ngọc trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, giả làm nhà sư hoạt động chung với nữ hào kiệt tài sắc vẹn toàn Nhị Nương trong thời Mạc Lê. Trai tài, gái sắc tình chiến hữu sâu đậm nhưng vẫn trong sáng. Có người hỏi, Quang Ngọc đáp, “ta nhờ chiếc áo cà sa này để tranh đấu thì không nên làm cho nó nhọ nhem đi”.
Vẫn theo nhà báo này, cái khó nhất của nghề báo bổ là dễ mắc sai lầm vì phải chạy đua với đồng nghiệp, cọng thêm với sự hăng say của nghị luận trong tư tưởng. Kỹ thuật truyền tin càng mau lẹ, sai lầm càng dễ mắc. Ông nói, nắng mưa là bệnh của trời, làm sai là bệnh của người thế gian. Vấn đề là có biết nhìn nhận những sai lầm đó để sửa chữa hay không? Cũng trong bài góp ý nói trên, nhà bình luận thời cuộc lão thành còn viết, làng báo chúng ta tuy có những cá nhân độc lập về chính trị nhưng lại có một nền tảng chính trị vững chắc không ai dị nghị, là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chế độ nào bóp nghẹt những tự do đó, chúng ta chống lại.
Năm 1965 nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh dạy môn báo chí tại các trường Đại Học Vạn Hạnh và Chính trị kinh doanh Đà lạt. Ra hải ngoại năm 2007 ông cho xuất bản tuyển tập “ Những Mùa Xuân Trở Lại” và năm 2009 cuốn “Tâm Pháp Khí Công”. Cụ Sơn Điền hưởng thọ 92 tuổi, qua đời nhưng không mất, chỉ mờ dần thôi như câu nói của Đại Tướng Douglas Mac Arthur Old Soldiers never die, They just fade away (Những người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ mờ dần đi). Một nhân viên từng làm việc dưới quyền ông và cũng là sinh viên của ông khi nghe tin ông ra đi đã viết Thầy Khánh là một nhân vật quí hiếm trên đời, tôi rất nể phục và kính yêu, nghe tin thầy qua đời thật là buồn.
Saint Paul 8/12
© Phan Thanh Tâm
© Đàn Chim Việt

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Anh: Sách khiêu dâm Fifty Shades soán ngôi Harry Potter

Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012

Fifty Shades of Grey sẽ ra mắt độc giả Pháp mùa thu 2012 (Reuters)
Fifty Shades of Grey sẽ ra mắt độc giả Pháp mùa thu 2012 (Reuters)
Tuấn Thảo RFI
Thuật ngữ chuyên ngành xuất bản dùng chữ best seller để chỉ các quyển sách bán chạy nhất. Giờ đây, người ta lại sáng chế thêm một từ mới ‘‘sex seller’’ để nhắc đến trường hợp của bộ tiểu thuyết khiêu dâm Fifty Shades of Grey (tạm dịch là Năm mươi sắc xám) của nữ tác giả E.L James.
Bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey gồm ba tập dày 1500 trang, quyển đầu tiên được phát hành vào mùa hè năm 2011. Tính đến nay, lượng sách bán ra đã lên tới hơn 40 triệu cuốn chỉ riêng trên thị trường Anh. Theo trang mạng amazon, sau khi qua mặt Da Vinci Code, bộ tiểu thuyết dành cho người lớn này còn phá vỡ kỷ lục phát hành trực tuyến, do bộ sách phù thủy tí hon Harry Potter nắm giữ.
Số liệu này chỉ liên quan đến nguyên tác tiếng Anh. Ngành xuất bản chờ đợi thêm nhiều kỷ lục mới vì phiên bản chuyển dịch của Fifty Shades of Grey sẽ được tung ra tại 60 quốc gia vào mùa thu sắp tới. Độc giả ở Pháp nếu thật tình muốn đọc quyển này, phải đợi đến 17/10, ngày phát hành bản dịch tiếng Pháp ( của nhà xuất bản JC Lattès).
Thoạt nghe bút danh E.L James, người ta nghĩ rằng tác giả là đàn ông, chứ không ngờ người kể chuyện ‘‘động trời’’ lại là phái nữ. Điều đáng ghi nhận là trước khi trình làng tiểu thuyết đầu tay dưới dạng sách điện tử, bà E.L James, tên thật là Erika Leonard, ít có kinh nghiệm cầm bút, và không hề có một chút tiếng tăm trên văn đàn. Xuất thân từ ngành sản xuất chương trình truyền hình, tác giả người Anh bắt đầu viết bộ sách Fifty Shades of Grey, như là một câu chuyện tình cảm lãng mạn theo kiểu Twilight, nhưng lại dành cho người lớn.
Truyện Twilight (của nữ tác giả Stephenie Meyer), nói về mối tình liêu trai giữa người trần gian (Bella Swan) và qủy hút máu (Edward Cullen). Bộ sách Fifty Shades nếu có thương nhau nhiều, cắn nhau đau, thì hoàn toàn là trong nghĩa đen chứ ít có nghĩa bóng, bởi vì quan hệ bạo dâm luôn thống trị tình cảm của hai nhân vật chính.
Về nội dung, Fifty Shades of Grey kể lại mối tình giữa Anastasia Steele, một cô sinh viên đại học sắp ra trường và một nhà triệu phú tên là Christian Grey. Ngay từ những giây phút gặp gỡ đầu tiên, cô gái trong trắng, cảm thấy bị cuốn hút bởi ma lực bí ẩn của người đàn ông đào hoa. Hai người trở thành tình nhân, và cũng từ đó mà cô gái ngây thơ khám phá một thế giới đầy rẫy dục vọng, một địa ngục tràn ngập lửa tình, nơi mà tột cùng khoái cảm gắn liền với tra tấn hành hạ, đớn đau thể xác. Dưới bàn tay của nhà triệu phú Christian Grey, Ana trở thành một kẻ nô lệ tình yêu, hết mình phục tùng, tự nguyện dâng hiến, chứ không có chuyện cưỡng bức hay ép buộc tình duyên.
Tủ sách thiếu nhi có bộ truyện Harry Potter. Giới thanh thiếu nữ thì mê đọc Twilight. Phụ nữ ở lứa tuổi trung tuần giờ đây có Fifty Shades of Grey. Đó là nhận định của ông Gordon Willoughby, giám đốc điều hành công ty Kindle, chuyên sản xuất loại máy tính bảng, dùng để đọc sách điện tử. Theo ông, các nhà văn nữ J.K Rowling và Stephenie Meyer đã tạo ra cơn sốt nơi độc giả trong những năm đầu thế kỷ XXI, thì một cách tương tự bà EL James là hiện tượng ‘‘văn học’’ của thập niên này. Nhưng vì sao phụ nữ Anh Mỹ lại tìm đọc và đổ xô đi mua quyển Fifty Shades of Grey. Từ đâu lại nảy sinh cái mốt thổ lộ đời tư, phơi bày những chuyện ‘‘thầm kín’’. Bà Michelle Bassam, chuyên gia người Anh về tình dục học nhận xét :
Theo tôi nghĩ, bộ sách này thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả bởi vì ở các nước Âu Mỹ, phụ nữ giờ đây không còn ngại trực diện với dục vọng. Trong quan hệ đôi lứa, nhiều cặp vợ chồng giờ đây dùng phim ảnh, sách báo hay mạng internet để tránh cho chăn gối nguội lạnh. Phụ nữ cũng vậy, họ dùng rất nhiều cách để nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Sau thời kỳ giải phóng tình dục ở các nước Âu Mỹ những năm 1970, xã hội Tây phương giờ đây ít còn đặt vấn đề với điều được gọi là tiểu thuyết khiêu dâm hay phim sex.
Điều đó nằm trong một bối cảnh chung của xã hội. Nhiều tạp chí, sách báo dành cho đối tượng phụ nữ, không còn ngần ngại minh họa hướng dẫn độc giả, đề cập trực tiếp đến các vấn đề sinh lý, giới tính hay tình dục. Do vậy mà những thập niên gần đây, bắt đầu có hiện tượng nhiều cây bút nữ viết sách vừa để phản ánh tình cảm nội tâm, nhưng đồng thời để nói về dục vọng bản thân, mà không sợ người ngoài xem là họ bị ám ảnh, hay có hành vi lệch lạc.
Về phần mình, theo bác sĩ người Pháp Sylvain Mimoun, chuyên nghiên cứu về sinh lý và giới tính, thì sự thành công của bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey, phản ánh một mặt sự thay đổi trong quan niệm về vai trò của người đàn bà trong gia đình và xã hội. Mặt khác, các phương tiện truyền thông đã giúp cho người đàn bà ít còn bị mặc cảm tự ti, khi đề cập tới tình dục.
Loại tiểu thuyết này chủ yếu nhắm vào đối tượng phụ nữ đã có gia đình. Họ có thể là nội trợ hay đi làm, nhưng nhìn chung thì một khi họ đã lo cho chồng, con cái bắt đầu khôn lớn, thì họ có thời gian để chăm sóc bản thân mình. Loại sách này đánh vào tâm lý của những phụ nữ không thích một cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt, nó khơi gợi tính hiếu kỳ và trí tưởng tượng của người đàn bà. Nhưng không phải là sách nói sao thì làm y như vậy. Tác dụng của câu chuyện là nó mở ra những chân trời, mà phụ nữ khi quanh quẩn với cuộc sống gia đình ít khi nào nghĩ tới.
Trong chuyện chăn gối, người phụ nữ cần sự âu yếm vuốt ve. Và để so sánh thì tiểu thuyết khiêu dâm có tác dụng ‘‘vuốt ve’’ trí tưởng tượng, để rồi từ đó kích thích sự ham muốn xác thịt. Có thể là do luân lý đạo đức, người đàn bà thường bị chi phối giữa một bên là hình ảnh của người mẹ, thường là “thánh hiền” phải đạo, và một bên là hình ảnh của tình nhân, lãng mạn khao khát. Theo quan niệm truyền thống cố hữu, thì hai vai trò này thường đối chọi nhau. Nhưng theo tôi nghĩ, phụ nữ có thể dung hoà cả hai : họ có thể chăm sóc con cái chu đáo, nhưng đối với chồng hay người bạn đời, họ vẫn có thể là một tình nhân hấp dẫn.
Theo thăm dò, bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey được nhiều phụ nữ ở độ tuổi 35-40 hưởng ứng. Có ý kiến khen lẫn chê, nhưng hầu hết các nhà phê bình cho rằng bộ sách này có vẻ rất táo bạo nhưng thật ra chẳng có gì mới lạ. Tờ báo Chicago Tribune đánh giá là Fifty Shades là một cú đột phá của ngành xuất bản chứ không phải là một hiện tượng văn chương. Tờ báo San Francisco Chronicle thì nhận xét rằng : Fifty Shades giống như một kịch bản phim nhiều tập, nhiều hơn là một tiểu thuyết theo đúng nghĩa của nó. Nếu như Fifty Shades làm nổi bật yếu tố bạo dâm, thì thật ra cốt truyện được xây dựng theo mô hình của loại tiểu thuyết tình cảm Barbara Cartland, hay tủ sách hồng Harlequin.
Phụ trang văn học của báo Le Figaro chia sẻ quan điểm này và cho rằng ảnh hưởng rõ rệt nhất của Fifty Shades không phải là các bộ ‘‘dâm thư’’ nổi tiếng, mà lại là các bộ phim truyện ăn khách của làng điện ảnh truyền hình như Bridget Jones hay là Sex and the City. Phải chăng đó là vì tác giả EL James trước kia đã từng làm việc cho ngành truyền hình ?
Tờ báo Libération thì cho rằng ngay cả yếu tố bạo dâm cũng không có gì là mới, vì từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX, nhà quý tộc người Pháp Marquis de Sade đã viết khá nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn về chủ đề khổ dâm và bạo dâm, nhưng đằng sau câu chuyện, ông lại cài thêm nội dung đả kích luân lý tôn giáo, đạo đức xã hội. Tên của ông sau đó được đặt cho chứng bạo dâm (sadisme).
Nhưng người đàn bà đầu tiên đề cập trực diện với đề tài này là nhà văn người Pháp Dominique Aury (nhũ danh là Anne Desclos). Dưới bút hiệu Pauline Réage, bà đã viết quyển Histoire d'O được phát hành tại Pháp lần đầu tiên vào năm 1954 (nhà xuất bản Jean-Jacques Pauvert). Vào thời đó, quyển sách này gây ra nhiều cuộc bút chiến dữ dội trên văn đàn, phần lớn là do nội dung quá táo bạo, một phần khác là vì tác giả làm chuyện động trời này lại là thành viên của tờ Nouvelle Revue Française (NRF), tạp chí phê bình văn học nổi tiếng của Pháp.
Hơn 20 năm trước cuộc cách mạng tình dục ở Âu Mỹ, hơn nửa thế kỷ trước khi có hiện tượng Fifty Shades, tác giả người Pháp Pauline Réage đã dùng ngòi bút như lưỡi dao sắc bén để mổ xẻ quan hệ bạo dâm, cách mô tả chi tiết, văn phong khá cầu kỳ. Ngược lại, trong bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey, vấn đề lớn nhất nằm ở trong cách viết.
Theo tạp chí Lire, tác giả bộ sách này giàu trí tưởng tượng nhưng nghèo nàn văn phong, chữ viết rất nhiều nhưng nghĩa không bao nhiêu. Báo Libération đi xa hơn khi cho rằng : bàn đến giá trị văn học của Fifty Shades, thì cũng như là bán thức ăn nhanh cho người muốn giảm cân. Nói cách khác, khi đọc sách này, phụ nữ Anh Mỹ có thể thẹn thùng đỏ mặt, hừng hực cơn sốt. Người yêu văn chương lại bị dội gáo nước lạnh.
TỪ KHÓA : Tạp chí - Văn hóa