Lưu trữ

Phổ biến

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Kể Chuyện Về Người Nghệ Sĩ - Việt Hải Los Angeles

Hôm nay tôi xin kể chuyện một nhân vật không còn xa lạ với thế giới liên mạng nữa. Ông vốn là một luật sư, một nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, một nhân sĩ trí thức ái quốc, một giáo sư dạy Pháp văn cấp đại học, một nhà văn, một nhà thơ, một họa sĩ, một điêu khắc gia, một người thưởng ngoạn âm nhạc cổ điển,... người mang nhiều phương danh lắm, nhưng tôi chuộng phong vị xã hội (titre sociale) do bản tính say mê văn học và nghệ thuật của ông, đó là "nghệ sĩ".                                                 
Tôi có dịp trao đổi email với nhiều vị nhân sĩ cộng đồng hải ngoại về vụ scandal tai tiếng khi tự dưng có những vị trí thức cổ xúy nói chuyện gửi "kiến nghị", bị xem là hành động ngây ngô và dại dột nhất lịch sử tị nạn Việt Nam về cho nhà cầm quyền CSVN, sau đó nhị vị LS Trần Thanh Hiệp và vị tôi muốn đề cập đã cho những bài viết phản biện tích cực, đúng đắn hồi âm đến "36-1" vị trí thức nêu trên (xem link tham khảo "a" dưới cùng), và rồi nhà cầm quyền CSVN vất sọt rác bản kiến nghị được định giá là kệch cỡm không thích hợp. Người tôi muốn nêu danh chính là luật sư Lưu Nguyễn Đạt, ông đáp lễ nhóm dâng kiến nghị bằng những lời lẽ mang tính cách thuyết phục, lý lẽ vững chãi, văn phong nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Từ đó tôi tìm hiểu là vị luật gia này, ông vốn là người có DNA nghệ sĩ tính, thật vậy.
                                                            Matt reading The Hand of Hope
Bàn Tay Hy Vọng (Hand of Hope)
Năm 1975 ông di tản và ghé trại tiếp cư Pendleton, tôi sang đấy xơi cơm chùa hơn một tháng, tạm trú tại trại 4 không xa khu vực hành chánh trại là bao, nhưng mà lại không biết vị điêu khắc gia tài danh Lưu Nguyễn Đạt đã tạc một tác phẩm kỷ niệm về cái biến cố đau buồn, khi mà người Việt tị nạn đổ sang Hoa Kỳ ồ ạt. Tác phẩm nghệ thuật "Bàn Tay Hy Vọng" (Hand of Hope), bức tượng xi măng cốt sắt mà ông được Chuẩn Tướng Paul G. Graham (Ret. at USMC Brigadier General), vị Chỉ Huy Trưởng trại Pendleton của TQLC Hoa Kỳ đã mời ông thực hiện, để lưu niệm cuộc tị nạn vô tiền khoáng hậu, vô cùng vĩ đại đầu tiên của Người Việt tại Hoa Kỳ. Bức tượng này đã được nhìn nhận là một Tượng Đài Kỷ Niệm của Quốc Gia (thuộc Chính Phủ Liên Bang - Federal Monument) nằm ngay ngỏ cổng ra vào của trại Lính Thủy Quân Lục Chiến gần Thị Xã San Clemente, cách phố Little Saigon của phe ta độ 36 miles hay cách San Diego khoảng 60 miles và cũng là giao điểm tụ họp của gần trăm ngàn người Việt Tị Nạn đã về lại thăm viếng lại trại này để tưởng niệm cuộc di tản qui mô năm 1975 qua cửa ngỏ nắng ấm California.
Lưu Nguyễn Đạt chắc chắn là người của điêu khắc, của hội họa (xem bài viết của Hồ Trường An, ghi chú ở bên dưới), Lưu Nguyễn Đạt cũng là người của máu thơ văn. Ông cho biết lúc nhỏ theo học ở Lycée Albert Sarraut, rồi từ Hà Nội vào Nam nhập học tại Lycée Yersin vào mùa thu Đà Lạt vào năm 1954, khi mà tôi còn bé lắm, chưa biết về thơ Jacques Prévert hay Paul Verlaine như ông. Sau cùng ông dấn thân vào con đường sáng tác và điều nghiên văn học, cùng tư tưởng Việt tộc. Bài này sẽ xoáy nhiều về thi ca. Nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt sáng tác nhiều thơ, tôi xem thơ ông làm có thơ lục bát và có thơ tự do (vers libre).

Nghệ sĩ Lưu Nguyễn Đạt

Theo ông tâm tình thì nếu đại học văn khoa Sài gòn tạo cho ông môi trường tìm hiểu về văn học và mỹ thuật thế giới, thì đại học luật khoa Sài gòn giúp ông trau dồi khả năng cứng cáp về Việt ngữ. Tôi đọc thơ ông trong sự thán phục ngẩn ngơ, một người được đào tạo trong môi trường chất đầy nhốc văn hóa Pháp thì làm sao có thể sáng tác thơ Việt Nam nhuyễn nhừ như thế nhỉ... à, thì ra như vậy.

Về phạm vi thơ, như đã đề cập Lưu Nguyễn Đạt sáng tác nhiều thơ, loại đấu tranh có, yêu quê hương có, lãng mạn có, thơ thiền có, nhuốm chất triết lý có, nhưng không phải loại lãng mạn thiên về nhục thể, hay đượm nét hiện sinh (existentialisme), khi tôi đọc Thanh Tâm Tuyền, ngẫm nghĩ thơ được thi sĩ nâng niu khá táo bạo, như môi em là làn mật ngọt và vùng ngực em mang như đồi thơ bao la, bát ngát, thơ cho thấy thi sĩ đã diễn đạt cái nội tâm sâu kín nhất của ông:

"Đêm hiền từ nhỏ to trên trán
Màu đen sáng đủ ngó vào nụ cười
Có đấy không này em mưa chan hoà
Trên ngực trên ngực em bát ngát"

Sự lãng mạn hơn nữa khi thi sĩ mô tả làn da trắng toát của người yêu thật xác thực ý nghĩ, hỡi đôi mắt trần gian đăm chiêu với dục vọng, hôn em như muốn cắn đôi môi cho vơi đi hết những nỗi nhớ nhung:

"Da trắng như tiếng hát ở trên trời...
Anh cúi xuống hôn cánh môi tím màu đêm mà thương nhớ...
Đừng trói anh vào trần gian bằng mắt em nhìn kia...
Người đàn bà rũ tóc thành một cơn bão mặn
Hương nồng chiều dòng kinh mùa hè... "
(trích thơ Thanh Tâm Tuyền)

Tôi đọc thơ thi sĩ Bích Khê, thơ diễn tả nỗi say thơ thiên về nhục thể tràn dâng, không úp mở. Bích Khê táo bạo trong tâm hồn, trong thơ tình, ông làm thơ mơ tiên nữ, ông cảm nhận sự cuồng si khi muốn cướp thể xác của tiên nữ, truy tìm cảm giác mạnh bạo của khoái lạc trong giấc mộng chiêm bao. Khoái cảm nhục thể của Bích Khê đưa thơ ông đến mức ngậm cắn đôi môi tiên nữ, cơn khao khát tình dục cào cấu lên đôi gò bồng đảo của nàng. Hãy xem bài thơ táo bạo có tên là "Xác Thịt":

"Tôi vồ người như một miếng mồi ngon
Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son
Mắt đổ lửa lườm qua làn sóng sắc...
Tôi giật nẩy rồi cười lên sặc sặc
Hai tay cào đôi vú trắng như bông"

Trong bài "Xuân Tượng Trưng" Bích Khê diễn tả nét xuân tình trên dáng hình hài của kiều nữ khoả thân, thơ ông dùng từ ngữ tả chân thật đến độ "toạc móng heo", hãy xem ở câu 3 và 4 dưới đây như:

"Ðêm nay xuân đã lại
Thuần tuý là tượng trưng 
Nâng lên núm vú đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Bay qua cụm liễu khơi
Những cườm tay điểm hột
Sương phất phơ lau lách
Khẽ uốn mình giai nhân
Ðường non kheo điêu khắc
Những dáng hình khoả thân..."

Lưu Nguyễn Đạt sáng tác 44 bài thơ trong loạt thơ collection, tôi tìm thấy bài sau, xin trích đoạn nhậy cảm của sự tưởng tượng nhất, "sexy" nhất, từ hình thể, cởi áo ngoài đủ hé mở chiều sâu:

"tranh trừu tượng thoát li từ hình thể
cởi áo ngoài đủ hé mở chiều sâu
mắt em đẹp nhưng màu môi xa thế
quyện dư âm ngọt lịm cả mưa ngâu"
(Bài 18. Trừu Tượng)

Thơ như vậy vẫn còn lành, thơ say hay say thơ của Lưu Nguyễn Đạt khiến tôi liên tưởng đến thơ Beaudelaire, bài được trích hai đoạn:

"hãy thức tỉnh lần đầu khi còn say lần cuối
hãy tận hưởng đầy vơi ngay trong hồn vắng vợi
hãy đi suốt cuộc đời dù không sao đi nổi
hãy hẹn lại mùa yêu dù mưa buồn trăm nỗi

hãy mở đọc thơ tôi khi trời là biển tối
hãy ghé lại tâm hồng khi nắng ngọt viền môi
hãy thăm hỏi lòng em từ đáy nguồn bối rối
hãy chết đi chốc lát để vĩnh cửu trào khơi"
(Hãy Mở Rộng Tình Yêu)

Thi sĩ dịch sang Pháp ngữ:
"réveille-toi maintenant à la fin de l’ivresse
réjouis-toi à present aussi bien que dans la solitude
accomplis ta vie même si le parcours semble impossible
et retrouve la saison d’amour malgré la pluie qui s’attriste

ouvre et lis mes poèmes quand le ciel sombre dans la mer nocturne
penche-toi sur ton âme de rose
quand le soleil mûrit à tes lèvres de miel
consulte ton coeur du tréfonds de tes peines
pour vouloir en mourir un moment et les survivre dans l’éternité"
(Ouvre Ton Coeur D’Amour)

Cái say thơ của Lưu Nguyễn Đạt theo tôi chút gì đó vẫn lãng mạn như chất say thơ Beaudelaire hay Vũ Hoàng Chương:

"Hãy Say Đi"
(Enivrez-Vous)

"Hãy say,
Nào hãy say đi
Đất trời còn đó
Ngại gì không say
Tiếc chi giữa thế gian này
Bao nhiêu gánh nặng, bấy nhầy trên vai
Xác thân run rẩy từng ngày
Hãy say,
Quên kiếp đọa đầy nhân sinh
Say… thơ,
Say… rượu,
Say… tình,
Say lòng nhân cách tuyết trinh trong đời…"

(Bài "Hãy Say Đi" (Enivrez-Vous) -
Charles Beaudelaire. Theo bản dịch của
Nguyễn Tâm Hán)

Hay cái say thi hứng trong thơ của Vũ Hoàng Chương:

Ngựa ơi, hãy nghỉ chân cuồng khấu
Cho thỏa lòng ta nỗi khát khao
Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch
Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao
Tình hoa thuở trước xô về đọng
Ở phiến gương vàng một tối nay
Ta lặng buông thân trời lảo đảo
Mơ hồ sông nước choáng men say”
(Chân Hứng)
Bài cuối cùng thứ 44 trích đoạn. Lưu Nguyễn Đạt cho về kinh đô ánh sáng Paris, "Giữa Gió Paris":

"giữa gió Paris nắm tay Balzac
vườn phố Bréa nắng héo đá nhoà
cà phê em đợi miệng ngọt môi hoa
ta hẹn cuối trời nguồn thơ giấc lạ"

Baudelaire cho thơ về Paris của tình yêu:

"Paris dỗi, nỗi buồn vô cớ
Trong lòng tôi vẫn cứ trơ trơ
Lâu đài đồ sộ cửa nhà
Phố này, xóm nọ, hàng qua ảo huyền
Chỉ ký ức vững bền hơn đá..."
(Con thiên nga, dịch giả Vũ Đình Liên)

(Paris change! mais rien dans ma mélancolie
N'a bougé! palais neufs, échafaudages, blocs,
Vieux faubourgs, tout pour moi devient allégorie
Et mes chers souvenirs sont plus lourds que des rocs... "
(Le cygne, à Victor Hugo)
 
Thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt
Lưu Nguyễn Đạt quan niệm về "người thơ" (hay thi sĩ): "vừa là người, vừa là chất thơ. Làm sao có thể phân biệt được. Nếu phân biệt, thì hoặc hết là người, hoặc hết là thơ. Vì thế nên “Người Thơ” chỉ có trong nguyên vẹn, trong toàn diện của cả ba thành tố: Người, Tình Yêu và Thơ...".
Tình thơ của Lưu Nguyễn Đạt đong đầy qua bút giấy, bài #42, "Níu Gọn Lưng Trời":
"em về lối cũ cô liêu
đồi nghiêng gót hạc thân xiêu ngây hồn
sáng trăng phân mảnh ánh lòng
môi khuya úp mở thiên đường xa xôi"

Bài #38, "Nửa Môi", hôn em với chất thiền tâm:
"hôn em thế kỷ viễn miên
tháng ngày bỏ ngỏ miệt miền dư âm
phút giây buộc chỉ thăng trầm
xanh xao vuốt nhẹ dương cầm huyền siêu.

Bài #24. yêu em nhuốm chất thiền, "Khải Minh":
"trần gian hé nụ mênh mông
hồn sương ngây dại thoát vòng luân chiêu
làm sao xoá hết mây chiều
cho cơn mưa tạnh mắt yêu thoáng mừng"

Bài #23, Yêu Em Một Kiếp Người Không Đủ:
"yêu em ta vẫn người tình cũ
nắm chặt tay mềm xoá vận tu
mây ngả hoàng hôn về mộng ngủ
sóng sông va tối ướt hồn như"

Bài #20, Cảm Ơn Em":
"cảm ơn em một cõi đời ân ái
cụm hoa nghiêng rừng nhớ khách thiên thai
hôn thật nhẹ gió mừng duyên suối lạ
nơi cùng em ngấm lịm mỗi thiết tha"

Bài #17, "Mộng Trong Mộng":
"mộng là mộng và em là nguồn hẹn
mộng ban ngày hay mộng cả ban đêm
ta hỏi lại cho rõ ràng nguyên vẹn
để mỗi khi khép mộng tóc em mềm"

Bài #11. "Nhìn Em":
"nhìn em nốt nhạc nhậy buồn
cung si chưa hẳn cội nguồn biệt canh
triệu hân phố xá mong manh
tay hơ nắng vụn chia quanh đường cùng"

Trong bài phỏng vấn của nhà văn Hồ Trường An với thi nhân hay người thơ Lưu Nguyễn Đạt, bài cho nhiều chi tiết về ông, xin xem link sau;

Như trên đã trình bày, nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt yêu văn chương và ông không những thưởng ngọan văn học nghệ thuật mà còn thực hành nhiều bộ môn trong lãnh vực này nữa. Bài viết này đã gom góp thơ, cô đọng nhiều về đề tài thơ của Lưu thi sĩ. Ông viết bài bình luận thi ca. Tôi xem bài bình luận "De la poésie". Ông ghi nhận hiệu năng của thơ trong cuộc sống.

Bàn luận về thi ca, nó được hồi sinh bởi những cảm xúc mạnh mẽ khác nhau do sự tiếp cận của nhà thơ. Thơ tình diễn tả dù niềm vui và nỗi buồn, nó thẩm thấu vào cuộc sống và nó làm thăng hoa cuộc đời lên gấp đôi như con sông phản ảnh nụ cười và hơi thở được tan loãng vào làn sóng phù vân. Đối với thi ca, thơ có thể thay đổi màu đại dương huyền bí, thanh tao, trong sự nhận thấy và tâm hồn linh hoạt đựợc phản ảnh [1] của nhà thơ. Vì vậy tình yêu được hé lộ trong một ngôn ngữ kỳ bí, chuyển đổi thơ sang ánh sáng huyền diệu của buổi rạng đông quên bẵng đi thời gian, trong quá khứ và tương lai, giữa các tia sáng cuối cùng của ánh nắng thái dương và lấp lánh trong đêm khuya, khi thiên nhiên được cô đọng trong sự tĩnh lặng, và rồi khi lời thơ thái quá sẽ tự nó mất đi hồn thơ nguyên thủy.

[1] ý nói sự tương phản phản chiếu, mises en abyme, do hệ quả mà theo nhà văn André Gide, hiệu quả của gương phản chiếu phát sinh ra ảnh thứ hai, trong văn chương, một câu truyện lồng trong câu truyện, ý nói truyện sinh ra từ truyện.


Có lẽ lời kết của bài "De la poésie", xin được thay cho lời cuối cùng chia tay nhau, văn bất tận ngôn, ngôn bất tận ý; Thật vậy, văn chương nói hoài vẫn còn hoài mà thôi.
"Thi ca có vũ trụ riêng của nó, của tâm hồn con người trong thời gian giới hạn luân hồi của sự sáng tạo phổ quát, ngược lại những giới hạn của bài nói chuyện mang tính cách thực hành và truyền thống, vượt ra ngoài sự hồi tưởng của những huyền thoại cổ xưa và sự quên lãng do gom góp lại. Thi ca mở đường hướng về sự bao la hư vô và mang đức tin cho mưu cầu vô tận, được phát triển ở nhiều chiều sâu để tìm về nguồn gốc nguyên thủy và xuất xứ của thời gian và không gian quan yếu. Nó mang niềm hy vọng trong nỗi tuyệt vọng.
Do đó thi ca là nhằm giới thiệu cái bản chất và cái thực tế độc đáo có điều kiện nhân bản." (De la poésie, Lưu Nguyễn Đạt, xem "b").
(Viet Hai Los Angeles )
__________

a/ Những Nhận Định Về Hồi Âm của GS Vũ Quốc Thúc- LS. Lưu Nguyễn Đạt:
http://letungchau.blogspot.com/2011/11/nhung-nhan-inh-ve-hoi-am-cua-gs-vu-quoc.html
b/  De la poésie, Lưu Nguyễn Đạt:

From e-mail VHLA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét