http://www.vothutinh.net/
Giáo Sư Võ Thu Tịnh
Cảm nghĩ về tác phẩm

''Bốn Phương Chìm Nổi''
của Việt Dương Nhân
Chưa lúc nào phụ nữ chúng ta làm thơ nhiều bằng thời điểm nầy. Âu đó cũng là một hiện tượng văn hóa xã hội không khó hiểu cho lắm. Đà xuất phát ra hiện tượng nầy bắt nguồn từ những bà mẹ, bà chị ngàn năm xưa đã từng ứng tác bao nhiêu câu hò tiếng hát để đưa dìu ru trẻ em vào những giấc mộng ngây thơ. Từ những cô gái nông thôn, không biết đọc biết viết, cũng không hề học qua niêm luật bằng trắc thi ca nào, mà đã ứng tác ra bao nhiêu câu thơ trữ tình bất hủ để trao đổi những mối ‘tình trong giây phút mà thành thiên thu’ !
Nhưng cái men khuấy động của thời điểm hiện nay là những biến động lịch sử của nước nhà : Chiến tranh huynh đệ tương tàn, vợ chồng sinh ly tử biệt, gia đình kẻ mất người còn, tù ngục đọa đày thảm sát...Mà phụ nữ là nạn nhân chính, lại vừa có tâm hồn nhạy cảm hơn cả, cho nên từ ngàn xưa các bà, các cô đã từng than lên :

Chim xanh ăn trái xoài xanh,
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da.
Cực tấm lòng em phải nói ra,
Chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn.

Phụ nữ ta đã đua nhau ''nói ra những nỗi cực lòng'' của dân tộc Việt Nam hiện nay : Từ thất vọng nầy đến thất vọng khác ! Những kẻ mà dân gian đã tin cậy, mong chờ nhất, rốt cuộc cũng chỉ là ‘đồ tàn, xế’, như trăng trái tiết, như hoa cuối mùa mà thôi ! ‘Cực lòng nên phải nói ra’ vốn là nguồn gốc thi ca. Nhưng căn bản phải là lòng thành khẩn thiết tha. Chúng ta đã chán ngán với bao tuồng ''thương vay khóc mướn...''
Cảm nghĩ của tôi khi đọc xong tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi là tác giả tỏ ra chân thật, khắng khít với ‘nỗi cực lòng’ của dân tộc, của nhân sinh, của chính bản thân đang là nạn nhân của định mệnh. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho ta lưu ý đến. Còn hơn bao thái độ thờ ơ với vận mệnh đất nước, lãnh đạm với những nỗi cơ hàn khốn khổ của đồng bào ! Nói gì đến những tay bồi bút, dùng văn thơ để bán rẻ đất nước giống nòi.
Tác phẩm của Việt Dương Nhân có diển đạt được tình ý bằng ngôn ngữ theo chức năng thẩm mỹ thi ca không ?
Nhưng riêng tôi vẫn thấy thích những câu :

Nếu... gió thổi không mây, sao biết gió ?
Nếu... là mây không gió, mây nào bay ?
Nếu... cạn tình, sao tim còn rung động ?
Nếu... không hình, ai in bóng bên song ?
(Nếu...)

Bây giờ còn mộng với mơ,

Dệt lên được mấy vần thơ cuối đời... !
(Hoa trong cát bụi)
Võ Thu Tịnh
Paris, Tết Mậu Dần 1998