Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Bốn Phương Chìm Nổi và Cát Bụi - Thái Văn Kiểm



Hàn Lâm - Hương Giang - Thái Văn Kiểm
Vài nhận xét và cảm nghĩ
Bốn Phương Chìm Nổi và Cát Bụi
Của thi sĩ Việt Dương Nhân

Cuối năm ngoái -1998- , tình cờ chúng tôi gặp nhà thơ Phụng-Hoàng Việt Dương Nhân tại nhà hàng Au Vieux Sài Gòn đại lộ Ivry, Paris XIII và trong dịp này, Phụng-Hoàng đã có mỹ ý trao tặng chúng tôi Thi-phẩm "BỐN PHƯƠNG CHÌM NỔI" trong đó có in nhiều bài thơ Việt xen với nhiều bài thơ Pháp.
Đầu năm nay, nhà thơ Phụng-Hoàng đã có tấm lòng tìm đến tận nhà, ở Cư xá Thánh Đa (Cité Jeanne d’Arc) quận XIII, trong mùa hoa nở tưng bừng, rạng rỡ với ánh sáng ban mai, đệm thêm tiếng hót của cặp chim Khách thi nhau báo hiệu.
Nghe tiếng chuông reo, chúng tôi đoán biết sẽ có khách tài hoa từ phương xa lại : quả thật là nhà thơ Phụng-Hoàng, với dáng điệu nữ-tu-sĩ đã xuống tóc, quấn khăn đà, từ từ tiến vào tệ xá, tạm gọi là (Chiêu Anh Các) để tỏ niềm thương nhớ một Di-tích lịch sử Văn học miền Nam của Tiên-sinh ĐÔNG-HỒ Lâm Tấn Phác và Nữ-sĩ THÁI Mộng-Tuyết, Thất Tiểu Muội, nay còn hương khói nơi Lâm-Đường là Thị-Xã Hà-Tiên, lừng danh từ năm 1714 khắp vùng Đông Nam Á.
Đây là vùng Mang-Khảm đã được khai phá từ cuối thế kỷ 17 bởi Tổng-Binh Mạc Cửu, Đô-Đốc Mạc Thiên Tứ, Tổng Trấn Nguyễn Cư Trinh, tất cả đều văn võ kiêm toàn, xông pha oanh liệt để hình thành một xứ mới gọi là Cảng Khẩu Quốc.
Còn phía trên là Đồng-Nai, Gia-Định, Cù-Lao-Phố được Chúa Nguyễn giao cho Chưởng-Binh Lễ-Thành-Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) toàn quyền điều binh cai trị và mở mang bờ cõi. Uy danh của Ngài còn được lưu lại khắp miền Nam trong dân ca :
Bao phen quạ nói với diều :
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Lần này nhà thơ Việt Dương Nhân đã có nhã ý trao tặng hai Bác (vì lâu nay quen gọi là bác Thái) một Thi-tập mới, chưa ấn hành, nhan đề là ‘’Cát Bụi’’.
Chúng tôi đã hoan hỉ tiếp nhận thêm một Thi-tập nữa, vị chi hai, với những lời cảm ơn nồng nhiệt của chúng tôi. Phụng-Hoàng ngỏ ý nhờ tôi dịch cái đầu-đề Thi-tập I là ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ ra Pháp ngữ. Chúng tôi suy nghĩ giây lát, rồi đề nghị như sau : Aux Quatre Points Cardinaux : Immergence et Emergence. Còn quyển ‘’Cát Bụi’’ thì chúng tôi tạm dịch : Sable et Poussière, hoặc là Néant et Vicissitudes. Còn ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ cũng có thể tạm dịch là : Au Gré des Tourbillons. Lẽ tất nhiên là còn tùy nơi nhà thơ lựa chọn...
Sau đó, chúng tôi bàn qua về thời sự và thế sự liên hệ hiện tại và tương lai của Cộng-Đồng Việt-Nam Hải-Ngoại và Quê-Hương Xứ-Sở , quả thật là ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ nói sao cho xiết.
Tôi suy nghĩ về thi-hiệu Việt-Dương-Nhân mà đoán rằng : Phụng-Hoàng còn nặng nợ, nặng tình với Quê Mẹ là Việt-Nam ngàn đời yêu dấu, sâu đậm trong tâm trí và in đậm nét đan thanh trên khắp các nẻo đường Hải-ngoại. Vì vậy mà để chữ VIệT lên đầu. Rồi mới đến chữ Dương là Dương Gian, Đến chữ Nhân là bao gồm loài người và tình thương đồng bào ruột thịt. Nếu ghép chữ Nhân...với chữ Nhị, theo triết lý của Thầy Tăng Sâm, cao-đệ của Khổng Tử :
Dĩ Văn Hội Hữu - Dĩ Hữu Phò Nhân
Tạm dịch Pháp ngữ :
La Culture au service de l’Amitié
L’Amitié au service de l’Humanité.

Đọc kỹ hai Thi-phẩm ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ và ‘’Cát Bụi’’, thu góp hơn hai trăm bài thơ của nhà thơ Việt Dương Nhân, chúng tôi ghi nhận tấm lòng chân thật nồng nàn, hăng say, cao hứng, để sáng tác Thi-ca trong mọi trường hợp và hoàn cảnh của cuộc đời, xuyên qua ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’.
Tài hoa của Việt Dương Nhân được trang trải, phơi bày với chân tâm và thành ý qua bốn (4) đề tài chính yếu là :

Quê Hương - Thân Phận - Tình Yêu - Đạo Lý

Hết thảy đều được phân tách rõ ràng và phê bình chính xác và tốt đẹp bởi các Văn-hữu và Thi-nhân: Hồ Trường An, Nguyễn Hữu Nhật, Lê Anh Tuấn, Tô Vũ, Hàn-Lâm Lê Mộng Nguyên, Nguyễn Xuân Túy và người em Hoàng Minh thương mến.
Tất cả những đoạn thơ hay đều được các bạn thưởng lãm và nêu lên minh bạch, với nhiều lời khen ngợi đúng mức, với nhiều dẫn chứng thích hợp và công bình, qua nhãn quan của mỗi nhà phê bình Văn-học.
Riêng phần chúng tôi, tuy chưa bao giờ dám xưng mình là thi-sĩ cả - và trước sau gì cũng chỉ là một nhà yêu thích Văn Thơ và Nghệ Thuật - cũng xin đáp lại tấm thịnh tình đặc biệt của Việt Dương Nhân, mà trình bày đôi lời nhận xét về nhà thơ và Thi-nghiệp như sau :
1-)Từ thuở bé đơn côi, mất cha xa mẹ, Phụng Hoàng phải tìm sống với đấu tranh không ngừng (struggle for life), lao động vất vả, vừa đi làm vừa học hỏi, rồi lập gia đình đàng hoàng, rồi di tản sang Pháp, rồi tan nát gia đình khi vừa ba mươi ba (33) tuổi, rồi tiếp tục đi làm. Nhưng cũng may, sau đó được vào làm một hãng (Horticolor) chuyên môn chụp và in hình toàn là cây kiểng, rau trái và hoa thơm cỏ lạ cho những nhà bán hoa (Pépiniériste) danh tiếng toàn nước Pháp, Âu Châu và Montréal-Québec (Canada): Vilmorin, Truffaut, Delbard, Clause, Centre Jardin v.v... Trung ương hãng tại thị trấn Lyon (xưa kia mang tên LUGDUNUM vào thời La-Mã Đế quốc). VDN tìm cảm hứng mà sáng tạo thơ văn, để quên những nỗi nhọc nhằn lúc xa quê ngái kiểng. Qua biết bao chặng đường chông gai với thế nước bồng bềnh, hưng phế, VDN đã chứng tỏ một nghị lực phi thường để vượt lên những chướng ngại vật, nhằm tự tạo cho mình một thế đứng trong làng văn thơ đa phương, đa dạng của thời đại. Điều ấy thật đáng làm cho giới nam nhi khâm phục !
2-) Phần lớn Dân ca và những Điệp khúc Vọng Cổ, phát xuất từ bài ‘’Dạ Cổ Hoài Lang’’ của cậu Sáu Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), từ năm 1923 nơi Lục Tỉnh Nam Việt, qua rạp hát của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, cho tới ngày nay, vẫn còn vang lên trong các rạp, cũng như các bến đò sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ, Dương Đông, Đồng Nai, Bến Nghé... Và nhà thơ Caroline Phụng Hoàng đã trở thành ca-sĩ hồi nào không biết, với điệp khúc Vọng Cổ sau đây :
‘’Hỡi cánh bướm năm xưa sao còn trở lại đây làm chi nữa, nghe ai nói tiếng yêu đương mà lòng ta như vướng sợi tơ...tình ! Chuyện ngày qua đà rã bóng tan...hình. Trăng bạc đã xa rồi mái trời hôm ấy, còn lại bây giờ là tiếng kệ kinh. Ngọn lửa ái tình nay đà nguội lạnh, hiu quạnh quen rồi những ngày thanh vắng, xin người hãy quên đi lời ước hẹn. Thương tiếc làm gì thêm trái ngang đau khổ’’ ? !
Dù than van như thế, nhà thơ vẫn còn vương vấn với ái tình và đau khổ, vốn là nguồn mỹ cảm của con người, và đặc biệt là của thi-nhân và nghệ-sĩ. Nếu phải ngụp lặn chăng nữa thì đó chỉ là cái nợ đời đương nhiên phải gánh chịu và trả trao. Và nỗi khổ đau càng đắng cay, chua chát bao nhiêu, thi ca càng diệu vợi bấy nhiêu, đúng như lời nhận xét của nhà thơ Pháp Alfred de Musset trong thời Lãng Mạn :

''Les plus désespérés sont les chants les plus beaux,

Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots'' !
La nuit de Mai
"L’homme est un apprenti, la douleur est son Maître, et nul ne se connaît tant qu’une n’a pas souffert"
La nuit d’Octobre
(Alfred De Musset 1810-1857)
3-) Rồi một đêm hè rạng sáng năm xưa, nhà thơ thao thức và bồi hồi Ngưu Đẩu trăng sao, nhà thơ cảm hứng và bùi ngùi, thiết tha :

Dẫm Lên Vết Cũ

Dẫm lên vết cũ nữa rồi!

Đêm nay lòng thấy bồi hồi nhớ ai!
Mong rằng hạnh phúc ngày mai,
Đừng mang ngang trái, đắng cay khổ sầu.

Tình này rồi sẽ về đâu?

Những lời trăng gió như câu thệ nguyền.
Khi yêu là một ''cơn điên''.
Sao tim cứ mãi triền miên yêu người!

Mộng mơ trong cõi tuyệt vời,

Mơ trăng mười sáu, mơ trời không mây.
Mơ hoa trái nở đầy cây,
Mơ mùa xuân thắm chẳng ngày úa phai...!

Bài thơ trên kia phảng phất hương vị của bài thơ ‘’Les Feuilles mortes’’ của Jacques Prévert mà chúng ta hãy ôn lại để thưởng lãm phần nào sự gặp gỡ mầu nhiệm giữa Đông và Tây :

Les Feuilles Mortes
Jacques Prevert

Oh ! je voudrais tant que tu te souviennes

Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle...
Tu vois, je n’ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi
Le vent du Nord les emporte
Dans la nuit froide de l'oubli
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.

C’est une chanson qui nous ressemble

Toi qui m’aimais
Et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
Toi qui m’aimais
Moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement
Sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis

Và đây là bải dịch thơ rất tài tình của thi-sĩ Văn Bá, tức là Bác-sĩ Nguyễn Văn Bá ở Paris-Montreuil, đã có nhã ý thoát dịch và tặng chúng tôi, nay tôi xin tặng lại nhà thơ Việt Dương Nhân và quí vị độc giả :

Lá Rụng
Văn Bá dịch thoát
Thân tặng HG Thái Văn Kiểm

Hồi tưởng lại ngày vui thuở trước

Đôi chúng ta hạnh phước bên nhau
Mùa vàng thưở ấy xinh như mộng
Nắng sớm lên mau sưởi ấm lòng.
Lá vàng anh nhớ rụng đầy sân
Ta quét ta gom biết mấy lần
Kỷ niệm hận tình, âu cũng thế
Đêm đông gió bấc cuốn xa dần.

Làm sao quên được giọng em ca

Khi trầm khi bổng lúc ngân nga
Em đem tâm sự vào câu hát
Em hát tình tan mắt lệ nhòa.
Đôi lứa uyên ương
Tình sâu nghĩa nặng
Con tạo trớ trêu
Chia rẽ đôi đường
Không kèn không trống
Không một tiếng vang
Rồi hải triều lên
Xóa mờ vết chân
Của cặp tình nhân
Lứa duyên lỡ làng.

4-) Đa số thơ của Việt Dương Nhân đượm mùi Thiền, vì VDN là một Phật Tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý Nhà Phật xuyên qua : Tam-Bảo (Phật-Pháp-Tăng), Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Uẩn, Lục Căn (AYATANA) và Sắc Sắc Không Không... Chúng tôi xin trích dẫn hai bài tiêu biểu, một bài nhan đề ‘’Cảm Thơ Nguyễn Thị Vinh’’, vốn trong Tự Lực Văn Đoàn thời Tiền Chiến, và bài ‘’Tán Dương Bát Nhã Tâm Kinh’’, để chúng ta cùng thưởng lãm :

Cảm Thơ Nguyễn Thị Vinh
"Nhìn kẻ ác chịu tội
Sao tôi cũng thấy thương’"

Em đọc thơ của chị

Thoang thoảng tỏa mùi hương
Lấn áp hết sân si
Quên năm tháng ''đoạn trường''

(Gia tự Diệu Thi, nửa đêm 26-02-1999)


Bát Nhã Tâm Kinh


''Tâm Kinh Bát Nhã'' nghe nhẹ người

Thoảng hương huyền diệu tỏa khắp nơi
Đã trong bể khổ từ bao kiếp,
Bỗng trở thành vui với cuộc đời.
(Gia tự Diệu Thi, 3 tháng 3 năm 1999
đêm trăng tròn 16 tháng giêng năm Kỷ Mão)

Giáo lý nhà Phật, xét qua những điểm chính đã nêu trên, thường xuyên dạy chúng ta rằng cuộc đời ngụp lặn với Tham Sân Si, rốt cuộc rồi trở về với ‘''Cát Bụi'', là tên của Thi-tập mà chúng ta đang có trong tay và để xem kỹ.
Quan niệm trở về với Tro bùn và Cát Bụi cũng tương tợ với Triết lý Tây Phương qua câu ngạn ngữ La-Tinh :

"Memento ; homo, quia, pulvis es et in pulverem reverteris"

Dịch ra Pháp ngữ là :
''Souviens-toi, homme, que tu es poussière et que tu retourneras en poussière''.

5-) Cái điểm chót mà chúng tôi muốn nêu ra đây, lúc bàn luận về Thi-ca của Caroline Việt Dương Nhân là : Tuy nhà thơ bị chịu đựng nhiều nỗi khổ đau, suốt nhiều quảng đường dài, từ Quốc nội ra tới Hải ngoại, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của Giáo lý Diệt Dục và Sắc Sắc Không Không, Việt Dương Nhân ngày nay đã xuống tóc để tẩy rửa bớt đi phần nào của cuộc đời trầm luân khổ ải, vì còn nặng nợ với gia đình và xã-hội, với đất nước Việt Nam. Và VDN có thêm một tấm lòng biết ơn Dân tộc Pháp, đã niềm nở mở rộng đôi cánh tay nhân hậu mà đón tiếp đa số Cộng-Đồng Việt-Nam Hải-Ngoại. Quên sao được ? Do đó mới có bài thơ nhan đề : ‘’Tạ Ơn Người’’, để dâng lên Tổng Thống Jacques CHIRAC với chí thành thông Thánh và tâm thành thông Thiên :

Tạ Ơn Người

Dệt mấy vần thơ tạ ơn Người

Dân Việt của tôi khổ nhiều rồi
Lòng này ghi mãi ơn Dân Pháp
Sống được Tự Do thật tuyệt vời.

Giờ đây, đã đến lúc ngưng bút, đúng giờ Ngọ ngày 16 tháng 8 năm 1999 (Kỷ Mão), để chuẩn bị đi công tác các Thị Xã Cahors, Gourdon, và Brive-La-Gaillarde, vùng Lot et Dordogne, nhằm mục đích tham dự Đại Hội Pháp Thoại Quốc Tế, kỳ IX, vào hạ tuần tháng này (IXèmes Rencontres Internationales Francophones) được đặt dưới quyền chủ tọa danh dự đích thực của Quận Vương Đan Mạch Henri De MONPEZAT và sự bảo trợ danh dự của Chủ Tịch Quốc Tế Pháp Thoại Boutros BOUTROS GHALI, nguyên Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc.

Nhằm đánh dấu những cuộc mạn đàm Văn thơ và Nghệ Thuật với nhà thơ Việt Dương Nhân, chúng tôi hoan hỉ gởi tặng các bạn yêu thơ một bài mang tên ‘’La Barque de ma vie’’ (Con Thuyền Bát Nhã đời ta ) của Thi-Bá Rabindranath TAGORE của Ấn Độ và Nhân Loại, đã được dịch ra thơ Việt, để quí Vị nhàn lãm :

La Barque de ma vie
Rabindranath Tagore
(Prix Nobel 1913)

Le nuage m’a *** : je m’évanouis

Et la nuit plonge dans l’aurore ardente.
La douleur m’a *** : je demeure
Et le silence est profond comme
l’empreinte de ses pas.

Je meurs dans la plénitude,

A répondu ma vie.
La terre m’a *** : mes lumières
baisent tes pensées à ton heure.
Les jours passent, m’a *** l’Amour,
Mais je t’attends
Et la Mort je conduis la barque
De ta vie à travers la mer.
(Gitajali : Offrande Lyrique et Corbeille de Fruits)

Thuyền Đời Ta

(La Barque de ma vie)
Tiến sĩ Thái Văn Kiểm dịch

Mây than thở: Ta ngất ngây đêm tối,

Ta chìm vào rực rỡ ánh chiêu dương.
Niềm đau thương thỏ thẻ : ta còn đây,
Thầm lặng sâu như dấu chân thục nữ.
Và triền miên cuộc sống cứ vang lên:
Ta ngất lịm trong tràn đầy thỏa mãn.
Địa cầu reo: vạn thuở vẫn huy hoàng,
Bao tư tưởng hào quang đều vương vấn:
Thần Yêu Đương lại cùng ta tâm sự:
Ngày trôi qua nhưng ta vẫn đợi chờ.
Rồi Tử Thần đến, thiết tha nhắn nhủ:
Thuyền đời ta sẽ vượt sóng đại dương.

Hàn Lâm - Hương Giang - Thái Văn Kiểm

(Paris, ngày 16 tháng 8 năm 1999 ‘’giờ Ngọ Kỷ Mão’’

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét