Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

NS Nhân Bản (Paris) : Phỏng vấn một tiếng đồng hồ với Thi Sĩ Việt Dương Nhân

Báo Nhân Bản (Paris) đăng bài này gần 10 năm qua (11/1998) mà 7 mới ngồi đánh máy lại chiều nay.

Phỏng vấn

Một tiếng đồng hồ với Thi Sĩ Việt Dương Nhân


Nhân Bản (NB) : Xin chào thi sĩ Việt Dương Nhân. Từ gần hai thập niên qua, đồng bào tại hải ngoại biết đến bà qua các bài thơ được đăng tải trên các báo Việt Nam Tự Do Hải Ngoại, Tiếng Dân, Á Châu, Y Giới, Văn Tiến, Đất Nước, Ép Phê và Nhân Bản ...
Ngày 25 tháng 10 vừa qua, bà đã cho ra mắt tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi . Xin bà vui lòng cho độc giả Nguyệt San Nhân Bản biết đôi điều về tiểu sử và thân thế của bà...

Việt Dương Nhân (VDN) : Tôi tên thật là Nguyễn Thị Phụng Hoàng, ngày sinh 11.08.1946. Vì lý do đặc biệt. Sau đổi khai sinh lấy tên Nguyễn Thị Bảy với một ngày sinh khác là 12.10.1945... Quê tôi ở Bình Chánh - Gia Định. Lấy chồng Pháp năm 1967 tại Sài Gòn và có hai con. Tháng 11 năm 1975, tôi cùng chồng và hai con hồi hương về Pháp ... Hiện nay tôi là công nhân của một hãng Horticulture ...

NB : Bà có thể cho chúng tôi biết đôi dòng về quá trình sáng tác văn chương cũng như động cơ đã thúc đẩy bà đến với văn chương, thi phú ?

VDN : Thật ra, như tất cả những người Việt Nam... Tôi mê thơ từ thuở cập kê, có nghĩa là vào lứa tuổi 12, 13. Cũng bắt đầu từ ấy tôi tập tễnh làm thơ.
Ngày 25 tháng 4 năm 1975, nhật báo Trắng Đen của anh Việt Định Phương đã đăng bài tùy bút của tôi với hàng chữ in đậm : « Một người đàn bà Pháp gốc Việt bằng lòng nhận lãnh 19 triệu viên đạn để đổi lấy quê hương thanh bình » . Đó là một khích lệ lớn khiến tôi tiếp tục viết và làm thơ đến ngày nay. Ngoài tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi đã ra mắt, tôi hy vọng có thể trình làng vào một ngày gần đây tập thơ thứ hai với tựa đề Cát Bụi, 4 tập truyện ngắn Gió Xoay Chiều, Ngoại Tình, Chuyện Đời, Hoa Bướm Về Đêm và bộ trường thiên tiểu thuyết Mai Ly.
Tôi còn nhớ, vào năm 1976, xa quê hương đã gần một năm trời, nỗi nhớ nhung ngút ngàn, cứ y như muốn trào lên khóe mắt. Vì thế, tôi đã làm bài thơ Về Đất Mẹ, cũng là bài thơ đầu tay của tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi. Tiếp theo sau là bài Quà Xuân Gởi Các Anh Phục Quốc, là bài thơ đầu tiên được đăng trên nhật báo Trắng Đen vào năm 1977 ...

NB : Nói về thi phẩm Bốn Phương Chìm Nổi, đó là một tập thơ với hơn 100 bài thơ và 7 bài vọng cổ gồm có nhiều hồn : Quê Hương, Thân Phận, Tình Yêu và Đạo Lý . Đây là quyển sách nhỏ gói ghém tất cả tâm sự của đời bà ?

VDN : Vâng ! Bài thơ đầu tiên tôi viết là vào năm 1976. Tôi đã soạn lọc, viết lách trong gần 22 năm mới hoàn thành ! Riêng về hồn thơ, đúng như anh nói, sau những năm đầu xa quê hương, thương gia đình, nhớ bạn bè, hận cộng sản đem chủ ngoại lai tàn sát đồng bào và gây cảnh chia ly tang tóc, lúc ấy tôi chỉ làm những bài thơ chống cộng, cổ võ công cuộc đấu tranh phục quốc.
Dần dà, thời gian lặng lẽ trôi qua, mình vẫn đắng cay mang nặng số phận làm dân nước người, với tất cả nhục nhằn đau khổ của kiếp sống thê lương. Nào là chua xót số phận đất nước, nào là tội nghiệp cho thân phận mình làm cánh bèo trôi dạt tứ phương. Sau lần đổ vỡ tình cảm gia đình, thơ bỗng trở thành người bạn duy nhất có thể ngồi đó hàng đêm để nghe mình thét gào, than thở …

NB : Thơ là cứu cánh duy nhất để bà trút cạn nỗi niềm …

VDN : Đúng thế , thơ là một cái gì đó rất nhiệm mầu, có thể chứa đựng tất cả những nỗi bất hạnh ghê gớm nhất của thế gian này ! Thơ cũng là một cách giải bày tất cả suy nghĩ, ưu tư, hoài bão … Ví dụ như với bài Chúc Xuân Cho Mẹ, tôi mơ ước sẽ có một ngày tôi sẽ trở Việt Nam phất lại ngọn cờ vàng, ngọn cờ của Tự Do hầu mang lại niềm vui cho trăm họ. Và ngồi đấy cầu nguyện những cánh mai vàng - cờ vàng ba sọc đỏ - sẽ nở rộ khắp quê hương.
Một bài thơ khác mà tôi cũng thích, đó là bài Rừng Đêm, viết vào một đêm đông giá lạnh năm 1979, giữa rừng đêm muôn thú với một tấm lòng đầy rẫy vết đau thương sau lần hạnh phúc gia đình bị tan vỡ :
Rừng đêm hoang vắng ai quân tử ?
Dám nhặt hoa tàn trong gió mưa !


Một bài khác là bài Mẹ Việt Nam, đã được đăng tải trên các tờ báo hải ngoại từ 1979 cho đến nay :

Mẹ ơi ! Hỡi Mẹ Việt Nam !
Đàn con của Mẹ sẽ về ngày mai …


Những bài thơ về Đạo bắt đầu xuất hiện sau năm 1984, năm tôi vào Đạo Phật sau một đại nạn để an ủi cho đời mình.

NB : Theo chúng tôi được biết, ngoài bút hiệu Việt Dương Nhân, bà còn có rất nhiều bút hiệu khác như Quốc Hương, Việt Quốc Hùng, Thanh Thiên Tâm … Bà có thể cho biết ý nghĩa và xuất xứ của các bút hiệu ấy ?

VDN : À, vào năm 1976, tên Việt Dương Nhân đã được tôi chọn với hậu ý nối tiếp con đường mà anh Việt Định Phương chủ bút tờ Trắng Đen đã vạch ra … Việt Dương Nhân có một ý nghĩa rất đơn giản là NGƯỜI VIỆT NAM DƯƠNG TRẦN.

Vào ngày 11.06.1977, tại chùa Khánh Anh, anh Nhựt Thanh (LTS : Nhựt Thanh chính là ca sĩ Trường Thanh hiện tại) viết bài Tình Đời Nghĩa Đạo, ý nói rằng đất khách quê người chúng ta không thiếu thứ gì trên phương diện vật chất. Chúng ta có đầy đủ nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp … Thế nhưng tất cả đều vô nghĩa khi ta không còn tổ quốc, quê hương. Tên Quốc Hương từ đấy mà có, do sự ghép nối hai chữ Tổ Quốc và Quê Hương, chứ không phải là quốc sắc thiên hương như một số người thường lầm .

Một buổi chiều buồn mùa thu năm 1986, trong lúc đang ngồi tịnh tâm, tôi chợt thấy một bầu trời trong xanh, rồi những chùm sao và ánh trăng vàng sáng rực. Tên Thanh Thiên tâm có từ đó …

Cuối cùng, Việt Quốc Hùng là do sự tự hào về quê hương của tôi, của tất cả đồng bào tôi : Nước Việt Nam Tổ Quốc Anh Hùng.

NB : Để kết thúc cuộc phỏng vấn hôm nay, xin bà cho biết cảm tưởng của bà sau sự thành công của buổi ra mắt tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi ngày 25 tháng 10 năm 1998 vừa qua ? (LTS : Buổi đọc - Ngâm thơ đã quy tụ được trên dưới 200 người).

VDN : (suy nghĩ) … Toại nguyện. Yêu thơ từ thuở bé, hơn nửa đời sau mới ra mắt được tác phẩm đầu tay ! Tôi có thể nói mà không ngượng ngùng : Đây là là lần đầu tiên tôi có cảm tưởng làm một việc được thành công, lần đầu tiên đi học mà tôi … thi đậu, đậu Trường Đời. Vì thế, tôi vẫn thường đùa đùa rằng : Mình học trường Sài Gòn và Ba Lê chưa hết lớp !!! Đây cũng là cơ hội để cho tôi biết được rằng xung quanh tôi còn có nhiều người thương mến.

Tôi cũng xin gởi lời cám ơn đến tất cả các bạn bè, thân hữu đã đến với tôi trong ngày ra mắt tập thơ đông đảo như thế. Đặc biệt, tôi xin chân thành cám ơn giáo sư Võ Thu Tịnh, ký giả Tô Vũ, nhà văn Hồ Trường An, soạn giả Trần Trung Quân, nhà thơ Đỗ Bình, nữ sĩ Bích Xuân, và còn biết bao bằng hữu, nghệ sĩ tân cũng như cổ nhạc đã giúp đỡ, cổ động tôi trên con đường tìm về văn chương dân tộc.

(Nhân Bản - Bộ Mới số 25 – Tháng 11 năm 1998)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét