Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Khóc Cười Theo Mệnh Nước Nổi Trôi, Nước Ơi: “Dư Thương” hay “Hồ Trường”? - Chân Phương

August 8, 20130 Bình Luận

Chân Phương: Ảnh hoa hồng chụp trong thời gian vừa qua, xin tặng chị Như Nguyện và cô Hạnh
“Tú, phải em không? Chắc em coi cái này thì biết thật, hư!”
Giáo Sư Dương Như Nguyện

Đó là nội dung của email message mà Giáo Sư Dương Như Nguyện đã gửi đến chúng tôi trong khoảng trung tuần tháng Bảy vừa qua. Bên dưới message ngắn gọn đó là email forwarded với nội dung dài hơn mười  chín trang vừa đánh máy vừa kèm hình ảnh vẽ và chụp. Bài “biên khảo” do một tác giả, ông Phí Ngọc Hùng (Thằng Bờm) tổng kết lấy ý kiến từ nhiều “khảo cứu” của các tác giả khác nhau về bài thơ được chuyển thành lời ca Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường mà cụ Nguyễn Bá Trác đã đăng trong Nam Phong Tạp Chí trước tiên bằng Hán văn, rồi sau đó dịch lại bằng Quốc Ngữ trong ấn bản tiếng Việt. Trong giới hạn bài này, chúng tôi sẽ không cắt và dán lại toàn bộ mười chín trang đó mà chỉ đề cập đến nội dung cần được phản biện và làm sáng tỏ mà thôi.
 
Chúng tôi cũng xin được cảm ơn GS Dương Như Nguyện vì đã nêu câu hỏi ngắn nhưng rất hay trong một đề tài mà chúng tôi đã từng chú  ý từ hơn nhiều năm trở về trước mà chưa có dịp đúc kết thành một bài viết hoàn chỉnh. Nhờ thắc mắc này của GS, chúng tôi đã có được nỗ lực trong những ngày qua để tìm hiểu tại sao văn đàn trong nước và hải ngoại đã để cho những chuyện như thế này, có thể xảy ra một cách vô cùng hài hước, một cách đáng tiếc như vậy.

Trang trong tờ Nam Phong Tạp chí
 
Truy tầm của chúng tôi trên internet cho bài thơ Nam Phương Ca Khúc nguyên tác Hán văn có được theo Nam Phong Tạp Chí là như sau:
 
丈夫生不能披肝折檻,爲世扶綱常。 逍遙四海,胡爲乎此鄉。 囘頭南望邈無極兮,天雲一色徒蒼蒼。 立功不成,學不就,少壯有幾辰兮,坐視百年身世驅陰陽。 撫掌狂歌問斯世,茫茫天地,安得知一知已兮,試來對酌佑予觴。 予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾。 予觴擲向西山雨,西山之雨一陣何汪洋。 予觴擲向北風去,北風揚沙走石飛殊方。 予觴擲向南天霧,霧中有人開口一飲蘧然醉。 天地宇宙渾相忘,予不醉矣,予行予志。 南兒自古事桑蓬,何必窮愁泣枌梓。
 
Với phần phiên âm Hán-Việt:
 
1. Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường 2. Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương 3. Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương 4. Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương 5. Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương. 6. Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan 7. Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương 8. Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương 9. Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy 10 Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí 11. Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
 
Và lời dịch của cụ Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác:
 
1. Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường; 2. Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương 3. Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương 4. Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thânthể bóng tà dương. 5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường. 6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu? 7. Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn; 8. Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan 9. Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương; 10.Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng 11.Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay 12 Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
 
Đem so sánh giữa phần phiên âm Hán-Việt và lời dịch của cụ Tiêu Đẩu, chúng ta dễ nhìn thấy dịch giả đã thêm câu số 6 “Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?”
 
Ngoài ra, hai chữ cuối “dư thương - 予觴” trong câu số 5 của bản phiên âm Hán-Việt đã được đổi thành “một hồ trường”. Rồi bốn câu tiếp theo đều dịch hai chữ “Dư thương - 予觴” trở thành “Rót về…” . Có lẽ tám mươi năm trước, cụ Tiên Đẩu đã không ngờ rằng chỉ vì quên ghi phụ chú Hán văn cho hai chữ “Hồ Trường” vào trong lời ca mà thế hệ con cháu cụ sau này đã phải tốn hao nhiều giấy mực rồi tự làm trò cười với nhau một cách thảm hại!
 
Con cháu cụ ngày sau đã khổ công giải thích về ý nghĩa của hai chữ “Hồ Trường” mà cụ dùng vào lời ca của mình… Để đến nỗi, một khi có người giải thích sai thì những kẻ còn lại chỉ biết châu đầu vào để mà quay cóp một cách mù quáng, hoàn toàn thiếu suy xét:
 
1. Đầu tiên, chúng tôi chú ý đến ý kiến của bài viết mang tính chất “nghiên cứu” của tác giả Phạm Thắng Vũ. Trong bài viết của mình, ông PTV đã giải thích về chữ “Hồ Trường” như sau:
 
Hồ Trường, chữ Hồ thuộc bộ Sĩ mang nghĩa cái bầu hay cái bình dùng để chứa chất lỏng và chữ Trường (hay còn đọc là Thương trong tiếng Tàu) thuộc bộ Giác mang nghĩa chén đựng rượu.”
 
 
 
2. Trước đó vài năm, nhà “nghiên cứu” Phạm Hoàng Quân trong website của báo Tuổi Trẻ trong nước, số ra ngày 9/25/05 viết về chữ “Hồ Trường” này như sau:
 
Chữ “Thương” ở cuối câu thứ năm (được lặp lại nhiều lần trong lời ca) có thể đọc là “trường” hay “tràng” mà Nguyễn Bá Trác đổi thành “Hồ trường”, từ một chữ “thương” biến thành hai chữ “hồ trường” rồi thành hẳn tên bài ca, kể cũng kỳ thú!
Thương có ba nghĩa:
1. Là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;
2. Mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”. Sách Lã Thị Xuân Thu – thiên Đạt Úc có câu “Quản tử thương Hoàn Công” (Quản Từ kính cẩn mời rượu Tề Hoàn Công).
3. Tự uống rượu một mình gọi là “thương”, Phạm Thành Đại trong bài “Túc tư khẩu thỉ văn nhạn” có câu “bá tửu bất năng thương” (nâng ly khó uống một mình).
Khi dịch nghĩa NPCK, chúng tôi dùng nghĩa “thương là chén rượu đầy”. Còn từ “hồ trường” trong lời ca Hồ trường là sự sáng tạo của dịch giả Nguyễn Bá Trác, chúng tôi không dám lạm bàn.
3. Ngay cả đài Á Châu Tự Do, RFA, ngày 4/1/2011 biên tập viên Mặc Lâm cũng có bài viết về lời ca của “Hồ Trường” và trích lại lời giải thích của “nhà nghiên cứu PHQ” như sau:
 
Chữ “thương” trong  bài Hồ Trường
Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân thì điểm đặc biệt nhất của bài Hồ Trường là chữ “thương” ở cuối câu thứ 5 đã đựơc lập lại nhiều lần trong lời ca. Chữ này có thể đọc là “trường” hay “tràng” đều đựơc. Nguyễn Bá Trác đã sáng tạo từ một chữ “thương” đơn giản thành chữ “Hồ trường” rồi thành hẳn một bài ca thì cũng là điều kỳ thú.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân phân tích chữ “thương” trong bài ca như sau:
 
Thứ nhất, “thương” là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;
Thứ hai, khi mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”.
Thứ ba, khi tự uống rượu một mình cũng gọi là “thương”, Phạm Thành Đại trong bài “Túc tư khẩu thỉ văn nhạn” có câu “bá tửu bất năng thương”  có nghĩa là nâng ly khó uống một mình.
  
 
4. Cuối cùng, ngay cả Viện Việt Học với các Giáo Sư và học giả về ngôn ngữ Việt-Hán-Nôm cũng tán hươu tán vượn về tương quan của chữ “Hồ Thường” và chữ “Thương” trong bài thơ – lời ca Phương Nam Ca Khúc – Hồ Trường:
 
Ý kiến của thành viên hồng lăng ba:
Chữ 觴 có thể đọc là :
1. THƯƠNG
2. TRÀNG
3. TRƯỜNG
Tương chích đạm Chu Hợi
Trì TRƯỜNG khuyến Hầu Doanh (Hiệp khách hành – Lý Bạch)Kim Lăng đệ tử lai tương tống Dục hành bất hành các tận TRƯỜNG (Kim Lăng tửu tứ ly biệt – Lý Bạch)Bộ 148 角 giác [11, 18] 
觴 thương, tràng, trường
觞 
shang1 
Gọi chung chén uống rượu. ◇Lí Bạch 

李白: Phi vũ thương nhi túy nguyệt 飛羽觴而醉月(Xuân dạ yến đào lí viên tự 春夜宴桃李園序) Nâng chén vũ (khắc hình chim có lông cánh) say với nguyệt.
2. Cái chén đã rót rượu. Tư Mã Thiên 
司馬遷: Hán công khanh vương hầu, giai phụng thương thượng thọ 漢公卿王侯, 皆奉觴上壽 (Báo Nhậm Thiếu Khanh thư 報任少卿書) Các công, khanh, vương, hầu nhà Hán đều nâng chén rượu chúc thọ thiên tử.
3. Lạm thương 
濫觴, xem chữ 濫 ở bộ thủy 水: lạm tràng 濫觴.
4. §Ghi chú: Ta quen đọc là chữ tràng hay trường.

 
Ý kiến của thành viên lhk:
 Tìm hai chữ hồ trường trên internet thì thấy hai chữ này trong bài ‘qui khứ lai từ ‘ của Đào Tiềm trong đó có câu : 引壶觞以自酌(nâng nậm và chén tự rót rượu cho mình?)Có người lại trích hai câu thơ của Bạch Cư Dị : 东都添个狂宾客,先报壶觞风月知.Trong quyển từ điển do ‘Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã’ phát hành tôi cũng thấy hai chữ này với mấy chữ giải thích : 

壶觞 (书)酒壶和酒杯,借指酒
NBT lấy hai chữ này để làm tên khúc ca có lẽ chỉ mượn hai vật kiện dùng để uống rượu mà nói ra chút tâm sự. Câu ca « hồ trường, hồ trường, rót về đâu » mấy chữ « hồ trường » chỉ làm rõ nghĩa để ta hiểu ông NBT rót cái gì. Nếu muốn nói rót trà thì ông ta có thể nói « chén tống chén quân , rót về đâu ? » và dĩ nhiên người sau sẽ không cho là tối nghĩa và tưởng tượng bao nhiêu chén lớn chén nhỏ rơi xuống như mưa :-) lhk.]
 
Ý kiến của thành viên nhosinh:
Cảm ơn diễn đàn viethoc.org. Tôi đọc đề mục “hồ trường” thấy hay quá. Và thấy có diễn giả kể “cái chuyện lòng” mang vẻ giai thoại dã sử, lại có diễn giả suy diễn theo kiểu phê bình văn học “Hồ là cái bình. Trà hồ là cái bình tích, chứa trà.Cái ấm có quay, có đai …dùng để hâm rượu, pha rượu, chế trà .Vậy cò Trường (dài) , hay Trưởng (lớn) …thì là cái gì.” Cho nên tôi phải tốn thời gian tra cứu xem. Tra trong Từ Nguyên cũng có mục “hồ trường”, và cũng dẫn văn thơ Đào Uyên Mính (đời Tấn), Bạch Cư Dị (đời Đường),giống như diễn giả lhk đã tra trên internet. Một cuốn từ điển khác còn cho hình một số vật mà Hán ngữ gọi là “hồ”. Tôi xin copy ra đây, muốn bày tỏ văn chương Trung Quốc cũng miêu tả những việc, những sự vật v.v… bình thường trong đời sống thôi. Chỉ vì ta đọc qua âm Hán Việt, nhiều khi lại tự tạo cho ta cái cảm giác huyền bí, cao sang không đáng có. Theo tôi, thật ra thì Việt Nam là một trong những xứ đẹp nhất, tài nguyên thiên nhiên phong phú nhất trên thế giới. Tôi đã gặp nhiều người Trung Quốc ca tụng và ước ao sang du lịch Việt Nam (trong đó có ông cựu lãnh sự, giáo sư nổi tiếng cha của ba bốn giáo sư khác ở Bắc Kinh, và cả người bình dân ở Nam Ninh). Tôi không thích cái tính xem trọng kiểu “phê bình văn học” của ngưuời Việt đối với Trung Quốc, lại cảm thấy rất dị biệt với những sinh viên đại học Mỹ học cổ Hán văn mà cười Dự Nhượng đả long bào một cách khùng (crazy), còn cái giỏ cơm bầu nước của Nhan Hồi thật không thể nào hiểu nổi. Cho nên, xin phép copy các hình của cái “hồ” và cái “trường” tra trên internet để tán đồng diễn giả lhk.民国时期的酒壶 
512 x 384 – 46k – jpg
中国古代的酒杯-羽觞
www.hcda.gov.cn
清素身羽觞
86 x 64 – 5k – jpg
www.gg-art.com
羽觞
250 x 188 – 21k – jpg
zh.wikipedia.org
大茶壶 
小茶壶 
水壶 
烧水壶
背壶 
喷壶
………………..
Xin lỗi vì copy mà dán sang đây nó không lên hình. Hình tôi tra gồm: tửu hồ là các loại bình rượu, hủ rượu; “trường” là các loại chén, tách uống rượu; “đại trà hồ” là ấm trà loại lớn; “tiểu trà hồ” là ấm trà loại nhỏ; “thủy hồ” là ấm nước, bình nước; “thiêu thủy hồ” là ấm nấu nước; “bối hồ” là bình có đai để đeo lên vai, ví dụ như cái bi đông đựng nước của lính; “phún hồ” là cái thùng đựng nước tưới cây .v.v… 
 
Hiện nay còn rất nhiều ý kiến tương tự của các tác giả khác nhau tán hươu tán vượn về ý nghĩa của hai chữ “Dư Thương” và “Hồ Trường” trên internet. Chỉ cần google nhóm chữ “Hồ Trường Nguyễn Bá Trác”, chúng ta có thể tìm được cơ man nào là nội dung giống nhau là “Hồ Trường” được dịch giả Nguyễn Bá Trác liên tưởng và phù phép từ chữ “thương, có nghĩa là chén đựng rượu”.
 
Tuy nhiên, để tránh tình trạng “sông dài biển rộng” của bài phản biện này, chúng tôi cho rằng trích dẫn như thế đã là thừa thãi!
 
Vâng, chỉ vì cụ Tiên Đẩu đã quên không ghi phụ chú cho hai chữ “Hồ Trường” mà các con các cháu cụ sau này đã hàm hồ đoán bậy rồi lại níu áo quay cóp cái sai đó lẫn của nhau một cách đáng xấu hổ.
 
Chúng tôi xin được phép liệt kê những cái sai và copied lẫn của nhau trong việc giải thích các chữ “Dư Thương”, “Hồ Trường” cũng như mối tương quan giữa hai chữ này như sau:
 
1. Trước tiên là phân tích và giải thích của ông Phạm Thắng Vũ về chữ kép Hán-Việt “Hồ Trường”. Ông đã viết:
 
[Hồ Trường, chữ Hồ thuộc bộ Sĩ mang nghĩa cái bầu hay cái bình dùng để chứa chất lỏng và chữ Trường (hay còn đọc là Thương trong tiếng Tàu) thuộc bộ Giác mang nghĩa chén đựng rượu]
 
Lời tuyên bố trên của ông PTV chỉ đúng được một nửa khi nói đến chữ đơn âm “Hồ -壺”. Nửa còn lại khi ông nói đến chữ “Trường – (người viết tạm thời bỏ trống Hán tự nơi này)” thì hoàn toàn không đúng. Chữ “Trường” này không thuộc bộ “Giác -角” như ông và nhiều người khác nghĩ như thế.
 
2. Chữ Hán đơn âm “Trường” trong “Hồ Trường” hoàn toàn không thể được đọc là “Thương”. Và, chữ “Thương - 觴” thuộc bộ “Giác” này cũng không được đọc là “Trường” trong mọi cuốn tự/từ điển Hán văn nào cả, ngoại trừ cuốn tự điển online của website hanviet.org.
 
Phải chăng các tác giả nghiên cứu đã bị lỗi sai đó vì đã dựa vào cái sai của cuốn từ điển online này?
 
3. Ông Phạm Hoàng Quân có lẽ là người đầu tiên đưa ra lý thuyết của việc biến đổi và chiết tự từ chữ “Thương - 觴” để trở thành chữ “Hồ Trường”. Ông viết:
 
Chữ “Thương” ở cuối câu thứ năm (được lặp lại nhiều lần trong lời ca) có thể đọc là “trường” hay “tràng” mà Nguyễn Bá Trác đổi thành “Hồ trường”, từ một chữ “thương” biến thành hai chữ “hồ trường” rồi thành hẳn tên bài ca, kể cũng kỳ thú!
Thương có ba nghĩa:
1. Là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;
2. Mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”. Sách Lã Thị Xuân Thu – thiên Đạt Úc có câu “Quản tử thương Hoàn Công” (Quản Từ kính cẩn mời rượu Tề Hoàn Công).
3. Tự uống rượu một mình gọi là “thương”, Phạm Thành Đại trong bài “Túc tư khẩu thỉ văn nhạn” có câu “bá tửu bất năng thương” (nâng ly khó uống một mình).
Khi dịch nghĩa NPCK, chúng tôi dùng nghĩa “thương là chén rượu đầy”. Còn từ “hồ trường” trong lời ca Hồ trường là sự sáng tạo của dịch giả Nguyễn Bá Trác, chúng tôi không dám lạm bàn.
 
Một lần nữa, nếu ông PHQ cẩn thận hơn sẽ hiểu rằng chữ “Thương - 觴”  không thể đọc là “trường” được cho dù nó có được đọc là “tràng” trong chữ “lạm tràng”- 濫觴”.
 
4. Trong mục số 3. bên trên, ông PHQ cũng không đúng khi [dùng nghĩa “thương là chén rượu đầy”. ]  Ông đã quên rằng không thể dịch một mình chữ [thương là chén rượu đầy” ] khơi khơi là danh từ một cách ngớ ngẩn như thế:
 
Khi “thương - 觴”  đứng sau ““Dư - 予”  theo trật tự như này “Dư thương - 予觴”., thì ngay cả các cháu học sinh tiểu học người Tàu cũng hiểu rằng một chữ là đại danh từ ngôi thứ nhất “ta/tôi” và chữ kia phải là động từ chứ không thể là một danh từ được!
 
Như thế, “Dư thương - 予觴” rõ ràng không có nghĩa gì khác hơn là “tôi (xin được) mời/rót rượu”
 
Vì lẽ đó mà các bốn câu liên tiếp 7, 8, 9, và 10 trong lời ca “Hồ Trường”; cụ Nguyễn Bá Trác đã dịch là “Rót về (Đông-Tây-Nam-Bắc) phương…”
 
5. Chúng tôi đã mừng húm khi vào đến diễn đàn của Viện Việt Học và đọc được ý kiến của thành viên “nhosinh” như sau: [Tra trong Từ Nguyên cũng có mục "hồ trường", và cũng dẫn văn thơ Đào Uyên Mính (đời Tấn), Bạch Cư Dị (đời Đường),giống như diễn giả lhk đã tra trên internet.  ]. Nhưng lại thất vọng ngay sau đó vì thành viên này đã không cho biết chữ “hồ trường” đó đã được viết ra sao bằng Hán văn và được giải thích thế nào. Tiếc thay, chúng tôi cũng không có được Từ Nguyên từ điển để tra cứu như gợi ý của thành viên nhosinh này… Vẫn là bế tắc!
 
6. Như thế “Hồ Trường” có nghĩa là gì và được viết ra sao mà ngay cả Viện Việt Học danh giá như thế cũng không tìm ra được?
 
Thật ra, nó là một chữ khá dễ và nằm trong ngôn ngữ hằng ngày của người Trung hoa. Tuy nhiên, các nhà “ngôn ngữ” và “nghiên cứu” của chúng ta đã xem thường dân số hằng tỷ người Tàu để chỉ tin tưởng vào trí tưởng tượng phong phú cũng như tài năng quay cóp của mình trong khi làm bài kiểm tra nên mới ra nông nỗi thảm thương của ngày hôm nay.
 
Họ đã dùng cái lý lẽ rằng chữ “thương - 觴” được phát âm là “trường” để bịt mắt mình một cách thảm hại… và đi vào góc cùng của lý lẽ, mãi không chui ra được(!)
 
7. Trong bản dịch lời ca, “Hồ Trường” chỉ xuất hiện ba lần rất liền nhau trong hai câu số 5. và số 6.:
 
5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường. 6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
 
Rõ ràng, từ câu 5. chúng ta có thể nói “hồ trường” là một danh từ để chỉ một chiếc ly hoặc bình/nậm dùng để uống rượu. Sang đến câu 6. và tiếp theo các câu 7, 8, 9, và 10; thì chẳng có gì khác hơn, “hồ trường” chính là chiếc bình hoặc nậm dùng để đựng rượu, rồi từ đó mới được rót ra (ly/ chén).
 
Vâng, chẳng cần biết đến Hán văn Hán tự, mà chỉ bằng lý lẽ và sự quan sát như mục số 7/ vừa qua, chúng ta cũng có thể đoán được gần chính xác “hồ trường” có nghĩa là gì!
 
8. Giá như các nhà “khảo cứu” của chúng ta chỉ cần thành thật với chính mình trong vấn đề tìm hiểu và học hỏi, họ đã chẳng thể nào bị những “tai nạn đau đớn” bất ngờ như này.
 
Giá như họ tin vào chính đôi tai của mình để mà viết ra thành chữ “Hồ Trường, 壺長” thì họ đã không tự biến mình thành một trò khôi hài đáng tiếc như thế!
 
Giá như họ đã không quá lười biếng và xem thường cộng đồng dùng Hán văn làm ngôn ngữ hằng ngày, để mà bước ra khỏi “tháp ngà” của mình, nắm áo một ông lão người Tàu hoặc một cô xẩm xinh đẹp và lễ phép hỏi về chữ “Hồ Trường”. Chắc chắn họ đã có được câu trả lời tử tế, chính xác, và đứng đắn trong những tháng năm qua!
 
Vâng, chỉ cần google chữ 壺長 trên internet là chúng ta thấy được cơ man những hình ảnh của các ấm có vòi dài dùng để đựng và rót trà rót rượu mà tiếng Anh được gọi là “long beak pot”.
 
Đến đây, chúng tôi chỉ xin kết thúc nhiệm vụ viết và giải thích ý nghĩa của chữ “Hồ Trường -壺長” theo Hán văn, những mong làm sáng tỏ một nghi vấn đã được đặt ra trong nhiều thập niên vừa qua. Chúng tôi không màng đến việc những cái sai đã có nguồn gốc từ đâu cũng như nhà nghiên cứu nào đã quay cóp của nhà khảo cứu nào… Cho dù quay cóp như thế là việc làm thiếu lương thiện của người cầm bút!
 
Tuy nhiên một lần nữa,  như bài nhận định lần trước của chúng tôi về chữ “Vô Hình Chung vs. Vô Hình Trung” — http://www.vietthuc.org/2013/01/15/56474/, tệ nạn quay cóp thiếu lương thiện đã len lỏi vào sâu đến các bậc “học giả” và “trí giả” của dân tộc ta cả trong nước lẫn hải ngoại. Trong vai trò của người nghiên cứu, ban biên soạn từ điển, đại từ điển của cấp quốc gia; họ đã không làm tròn việc nghiên cứu chuyên môn của mình mà chỉ lo quay cóp lẫn nhau để phổ biến những kiến thức sai lạc đem hậu quả tàn phá tiếng Việt mà Cha Ông chúng ta khổ công vun đắp bao đời. Chẳng phải là điều mỉa mai và đáng tiếc lắm hay sao?
 
Chúng tôi không biết làm gì hơn ngoài tiếng thở dài trong đêm:
[Tư cách của "trí thức" còn là vậy, thì không chỉ tiếng Quốc ngữ bị suy thoái trầm trọng; mà ngay cả văn hóa của dân tộc ta ngày càng suy đồi và mai một, những đâu còn là chuyện lạ lùng?]
 
Một lần nữa, xin được cảm ơn Giáo Sư Dương Như Nguyện đã có thắc mắc và nghi ngờ để từ đó nhắc nhở chúng tôi phải viết bài này như để trả lời với GS:
 
Không, chị ơi! Thật là oan uổng cho em: Những bài “nghiên cứu” hàm hồ như thế, không bao giờ em có can đảm thò tay viết ra được. Chỉ có những bài như này, em gõ để trả lời thắc mắc của chị về tính cách hư-thực của các “công trình khảo cứu” kia, mới thật sự đến từ ngòi bút của em, chị ạ!
 
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
 
Chân Phương
Falls Church, VA.
7.31.13

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét